Trình bày về lịch sử và tiến trình phát triển của sơn mài, PGS. TS. Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật cho rằng, cách đây khoảng 2.500 năm, nghề sơn đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử Việt Nam và được đánh giá không thua kém nghề sơn ở Trung Quốc, Nhật Bản...

Hội thảo nhằm giới thiệu chất liệu truyền thống của Việt Nam đến nước bạn

Từ thế kỷ 17, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh được sơn son thếp vàng, nhiều tượng gỗ cũng được phủ sơn để bảo vệ và rất thành công. Sơn mài được các nước quốc tế quan tâm từ rất lâu.

Đầu thế kỷ 20, các họa sĩ người Pháp đã sử dụng sơn mài để vẽ tranh. Năm 1925, khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập thì sơn mài được chú ý nhiều hơn.

PGS. TS. Phan Thanh Bình cũng giới thiệu đến các họa sĩ Thái Lan về cây sơn, cách chế tác màu sơn, lọc sơn, các công đoạn làm tranh sơn mài, quy trình khảm vỏ trứng vào tranh sơn mài, các họa tiết cung đình được trang trí bằng sơn mài... cũng như khả năng ứng dụng của sơn mài.

Mở ra cơ hội hợp tác trong sáng tác, đào tạo mỹ thuật với Thái Lan

Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác giả đã thành công với tranh sơn mài và để lại nhiều tác phẩm giá trị, độc đáo, tiêu biểu như: Tác phẩm “Vườn xuân Nam Trung Bắc” của Nguyễn Gia Trí là sự hòa hợp của sơn son, sơn then và cẩn vỏ trứng. “Hạnh phúc” của Phạm Gia Giang là bức tranh sơn mài đắp nổi rất lạ hay tranh của các họa sĩ Lê Phổ, Nguyễn Khang, Hồ Sĩ Ngọc, Trương Bé... được nhiều người yêu thích.

“Sơn mài đã có truyền thống lâu đời và cần phải được gìn giữ”, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Hội thảo nhằm trao đổi, phổ biến kiến thức nghệ thuật, truyền thống văn hóa của khu vực sông Mê Kông và các thành viên ASEAN cho các nghệ sĩ, sinh viên và công chúng quan tâm đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu, sáng tác, đào tạo họa sĩ sơn mài với Thái Lan.

Tin, ảnh: Trang Hiền