“Đường thi tuyển dịch” sắp in lần thứ 3

Lê Nguyễn Lưu không phải là “sao” nổi tiếng như các diễn viên ca nhạc, truyền hình, nhưng trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, ông là một tên tuổi đứng trong tốp đầu không chỉ ở Huế. Chỉ cần nhắc đến bộ “Đường thi tuyển dịch” hai tập dày gần 2.000 trang mà NXB Thuận Hóa đang chuẩn bị in lần thứ ba, đủ thấy vị thế và công phu ông bỏ ra trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, đây mới chỉ là một phần nhỏ thành tựu nghiên cứu Hán Nôm của ông trong mấy chục năm qua. Gọi là “trò chuyện” với ông, nhưng người thay ông đối thoại với khách là chị Lài, người vợ bao năm qua, phải kiêm nhiệm vai trò người “phiên dịch”, người điều dưỡng, theo sát chồng mỗi bước chân. Sau ba lần bị ngã và đột quỵ, nay Lê Nguyễn Lưu tai không nghe rõ, mắt đọc phải dùng kính lúp. Nói vui một chút, nhờ Lê Nguyễn Lưu lãng tai, tôi mới có thể “tò mò” hỏi chị Lài đôi điều về đời tư của ông. Thì ra, cô gái xinh đẹp quê Mỹ Lợi bên phá Tam Giang “phải lòng” người thầy thông kim bác cổ khi ông về dạy ở Trường Vinh Lộc.

May là ông còn bộ óc chứa đầy “tài sản” quý giá - đó là khả năng nghiên cứu Hán Nôm thuộc hàng đầu bảng không chỉ ở Huế - cũng có thể gọi là “báu vật” đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Nhờ đó, ngoài một số đầu sách đã xuất bản, đặc biệt là hai tập “Đường thi tuyển dịch” sắp in lần 3, Lê Nguyễn Lưu còn mấy bộ sách dày hàng ngàn trang chưa tìm được “đầu ra”. Tôi nhìn những bản thảo dày cộp, đóng bìa cứng dựng chật cả tủ sách, vừa bái phục, vừa lo lắng. Những ai ít nhiều hiểu công nghệ in ấn, làm sách đều biết từ bản thảo đến một cuốn sách đến tay bạn đọc còn rất nhiều khâu phải lo, cũng rất cần tác giả phải chung tay bàn bạc chỉnh sửa, bổ sung - với một công trình Hán Nôm, điều này càng quan trọng vì không phải nhà xuất bản nào cũng có người thông thạo chuyên ngành này.

Vậy mà nay Lê Nguyễn Lưu đã lên tuổi 82 (ông sinh năm 1937), tai mắt như thế, điện thoại không nghe được, liên lạc bằng email cũng “chào thua” thì làm sao giao dịch được với các “ông chủ” làm sách có tiềm lực ở trong Nam ngoài Bắc? Nghe nói đã có một công ty sách tìm đến, nhưng họ mới hứa có thể xuất bản cuốn “Phan Huy Ích, đường đời, đường thơ”; và chỉ in một phần thôi, mặc dù đây là bản thảo… mỏng nhất mà Lê Nguyễn Lưu đã hoàn thành! Thử kể thêm vài công trình ông đã hoàn thành: “Văn khắc Hán Nôm Huế” 3 tập dày tổng cộng 2.500 trang; “Đối Liên - thể cách biền văn & sưu tập đối liên”, 2 tập dày tổng cộng 1.600 trang; rồi “Văn hoá Huế xưa - Đời sống văn hoá dân gian”, “Văn hoá Huế xưa - Đời sống văn hoá cung đình”, “Thần kinh danh thắng & thi ca”…

Những bộ sách đã hoàn thành và chờ hỗ trợ xuất bản

Những bộ sách của Lê Nguyễn Lưu  tuy là “của quý” nhưng ít độc giả, không dễ bán, nên ít người làm sách dám bỏ tiền ra in, do chậm thu hồi vốn. Thời gian gần đây, Nguyễn Công Trí - một bạn trẻ có hiểu biết về Hán Nôm, thỉnh thoảng đến giúp Lê Nguyễn Lưu “chọn trích” những tiểu mục gửi đăng trên hai tạp chí “Huế xưa và nay” và “Nghiên cứu phát triển” (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế). Có thể nói, đó là khoản thu nhập chính của Lê Nguyễn Lưu .

Nếu được hỗ trợ, tạo điều kiện để xuất bản các công trình của Lê Nguyễn Lưu thì hay biết mấy!

NGUYỄN KHẮC PHÊ