Hãy cùng bay lên với khát vọng, 1973

Ông đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, đặc biệt được mời tham gia triển lãm Quyền hy vọng (The Right to Hope) do Liên hiệp quốc tổ chức (1995). Năm 2017, ông là nghệ sĩ tạo hình Huế duy nhất được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, một vinh dự to lớn đối với những cống hiến của ông cho nghệ thuật tạo hình Việt Nam và bộ tranh bút sắt, mực nho hừng hực khí phách đấu tranh của ông vẽ những năm 1968-1974 là những tác phẩm chính yếu trong những năm tháng tuổi trẻ tranh đấu sôi nổi của ông.

Họa sĩ Bửu Chỉ sinh ngày 8/10/1948 ở Huế, trong một gia đình thuộc hoàng tộc. Bửu Chỉ ít nhiều được khơi gợi niềm đam mê hội họa từ cha mình, một công chức, có vẽ tranh và ảnh hưởng văn hóa Pháp từ người mẹ là giảng sư Pháp văn của Trường trung học Đồng Khánh danh tiếng. Nhờ vậy, ông có điều kiện hấp thụ văn hóa Pháp từ rất sớm và yêu thích các danh họa Pháp và họa sĩ hiện đại khác mà ông ngưỡng mộ như Cezanne (1839-1906), Modigliani (1884-1920), Picasso (1881-1973)…

Khám Chí Hòa

Sau khi học xong ở Trường Quốc Học Huế, Bửu Chỉ vào học ở Khoa Luật thuộc Viện Đại học Huế và tốt nghiệp vào năm 1971. Bửu Chỉ đã không chọn cuộc sống nhung lụa mà sớm dấn thân vào con đường tranh đấu, với điểm khởi đầu là từ phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam sôi động những năm cuối thập kỷ 60 đầu 70 và đỉnh cao là năm Mậu Thân 1968. Năm 1968, chàng thanh niên Bửu Chỉ chứng kiến sự khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh ngay trên quê hương mình, thấy bao nỗi khổ đau cùng sự hoang tàn của Huế Cố đô năm 1968, tất cả đã ghi đậm trong ký ức và làm thay đổi nhãn quan tư tưởng của ông. Bửu Chỉ đã tham gia phong trào chống chiến tranh một cách sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ.

Bửu Chỉ không chỉ vẽ tranh, mà bằng sự sắc sảo và uyên thâm của một sinh viên luật, ông luôn đề cao chính nghĩa, tham gia diễn thuyết kêu gọi hòa bình, tự do và lên án chế độ tay sai Sài Gòn cũng như sự can thiệp của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Ông viết những lời bình sắc bén trên các tập san tranh đấu, viết truyền đơn, kẻ vẽ biểu ngữ, tham gia hát trong phong trào hát cho đồng bào tôi nghe do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khởi xướng. Những tranh bút sắt, mực nho và phác họa nhanh của Bửu Chỉ về đề tài chống chiến tranh xuất hiện những năm 1968-1974  nhanh chóng được coi là một vũ khí nghệ thuật đầy sức mạnh trong phong trào đấu tranh đòi hòa bình cho dân tộc.

Chứng tích

Những tác phẩm minh họa các tập nhạc của Trịnh Công Sơn, như Ta phải thấy mặt trời, minh họa tập nhạc Tiếng ca giữ nước (1970), minh họa bìa và phụ bản đầy sắc bén, mang tính chiến đấu mạnh mẽ trên tạp chí Đối diện ra năm 1971-1972 như bìa số 32, Xuân Nhâm Tý 1972, các minh họa Bàn tay cầm bút lửa, Người tù bẻ xiềng, Chiếc đinh của tội ác, Bầy quạ chiến tranh, Các thế hệ đi đày, Hãy cùng bay lên với khát vọng… thực sự là những tác phẩm vừa tinh tế, nghệ thuật lại đậm tinh thần phản kháng để cổ vũ phong trào tranh đấu hiệu quả và có tác động sâu sắc đến tình cảm tư tưởng của người dân.

Bộ tranh Tiếng thét từ lòng đất của ông là sự tập hợp những tác phẩm mang tính chiến đấu trực diện bằng vũ khí nghệ thuật vào kẻ thù ngay trước mặt, trong tranh là những bàn tay ứa máu bị xiềng xích chới với, cố thoát khỏi những sợi kẽm gai, cùng tiếng gào thét đơn đau, những gương mặt, ánh mắt vô vọng sau song sắt nhà tù, những hình thể rả rời, thê thảm trước đòn roi bọn cai ngục... Ở những tranh này, Bửu Chỉ rất gần danh họa Picasso với tinh thần của Guernica (1937) thức tỉnh và kêu gọi thống thiết lương tri nhân loại hãy chặn đứng tội ác của bọn phát xít ở Tây Ban Nha và giờ đây là ở Nam Việt Nam. Chính sự bạo liệt trong bút pháp tạo hình mang tư tưởng tranh đấu, tinh thần phản kháng quyết liệt chế độ cũ, tố cáo chiến tranh, ca ngợi và khát khao hòa bình mãnh liệt đã làm chính quyền Sài Gòn tức tối.

Ngày 12/4/1972, Bửu Chỉ bị bắt giam lần đầu, đem biệt giam tại Đà Nẵng. Ra tù, Bửu Chỉ trở về Huế hoạt động, sau đó bị bắt lại, rồi bị trục xuất ra khỏi Huế từ ngày 01/12/1972. Không còn cách nào khác, Bửu Chỉ vào Sài Gòn tham gia hoạt động vẽ tranh chống chiến tranh và bị bắt giam tại đây suốt 3 năm cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Suốt cả thời gian trong ngục tù, ông chưa bao giờ ngừng nghỉ việc tranh đấu, ông vẽ lên mọi thứ có thể như vẽ trên vỏ bao thuốc lá, giấy hút thuốc, bao diêm, giấy vụn, bìa sách… và bằng mọi cách tranh vẽ cũng như các bài viết của ông vẫn tiếp tục xuất hiện trong các ấn phẩm bí mật ở nhà tù, rồi được lưu chuyển ra ngoài đến mọi nơi và ra cả nước ngoài, như có tranh được lưu tại Thư viện Đại học Boston (Mỹ), được một số tờ báo tiến bộ ở Pháp, Đức, Canada in lại, và có lúc những tranh của ông được chuyển về Hà Nội trong những ngày hội đàm Paris căng thẳng.

Bức tranh Trong vòng tay héo vẽ ở nhà tù Chí Hòa năm 1974 thể hiện đôi bàn tay người mẹ già che chở cho bé thơ và bức Người nữ tù thể hiện người mẹ bị trói tay với đứa con nhỏ dại là một tác phẩm giàu tinh thần nhân đạo, kêu gọi tự do hòa bình và lên án mọi chiến tranh khổ đau. Kẻ thù  đàn áp phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam, thu đốt các ấn phẩm tranh đấu, trong đó có những ấn phẩm có tranh bút sắt phản kháng của Bửu Chỉ, nhưng chúng không ngăn được ông viết, vẽ và tiếp tục tranh đấu. Sau này, đa phần các tác phẩm bút sắt, mực nho của Bửu Chỉ được chính ông tập hợp lại trong vựng tập Mặt trời Tự do đã cho thấy sức sáng tạo dồi dào và tinh thần phản kháng quyết liệt, dữ dội của Bửu Chỉ, cũng như sự đóng góp to lớn của họa sĩ Bửu Chỉ đối với phong trào sinh viên học sinh đô thị miền Nam trong đấu tranh chống chiến tranh, đòi hòa bình, tự do trước 1975.

Họa sĩ Bửu Chỉ luôn đồng hành cùng dân tộc, mà bộ tranh Tiếng thét từ lòng đất là một trong những dấu son của một thời tuổi trẻ sung sức và dũng cảm tranh đấu của ông, vui vì đất nước hòa bình, nhân dân được tự do, nhưng với tấm lòng và tình cảm của người nghệ sĩ, ông luôn nghĩ suy về hạnh phúc, vẫn day dứt với bao thân phận con người thời hậu chiến, ông chỉ ra những khổ đau còn đó, ông phiền muộn và trăn trở như ông nói: “Tác phẩm nghệ thuật chỉ nhằm đánh thức lương tâm, lương tri con người”.

Bài, ảnh: PHAN THANH BÌNH