Cuốn sách xuất bản đã khá lâu và tôi đã đọc hết, vậy nhưng nay đọc lại thấy cũng thú vị. Ở phần II của cuốn sách, tôi dừng lại khá lâu ở câu chuyện bà Thái hậu Từ Dũ xem hát bội.

Từ Dũ (hay Từ Dụ- Nghi Thiên Chương Hoàng hậu/Nghi Thiên Thái hoàng thái hậu, 1810-1902) là vợ của vua Thiệu Trị, thân mẫu của vua Tự Đức. Bà nổi tiếng là người đức hạnh, sáng suốt, trọng đạo lý và rất mực thương dân. Tương truyền sinh thời bà rất thích hát bội. Một hôm nhân xem vở "Đường Chinh Tây", đến lớp "Phàn Lê Huê tru huynh sát phụ". Thái hậu lộ vẻ không hài lòng. Bà cho gọi trùm tuồng đến bảo: "Người Tàu đặt truyện ấy thật nghịch lý nhẫn tâm. Đã đặt cho Phàn Lê Huê tài phép đến thế ấy, thì dù gặp chuyện chi gấp rút đến mấy đi nữa, cũng có thể tránh được. Cớ sao đến nỗi phải giết cha, giết anh. Người Tàu khác, người mình khác. Người đặt truyện đã bậy, sao người soạn tuồng cũng soạn bậy theo? Phải sửa lại mới hợp đạo lý và thuận với người nước ta!". Nghe mẹ dạy vị trùm tuồng như vậy, vua Tự Đức cũng cảm thấy mình có lỗi. Ông đã cho thu tất cả các bản tuồng đang lưu hành trong dân gian đưa về Kinh nhuận sắc. Tuồng nước ta về sau có bản Kinh và bản Phường là bởi vậy.

Đọc lại câu chuyện cũ đúng mùa Phật đản đang rộn ràng về trên đất Cố đô. Sáng ra đường, thấy gạo muối hạt nổ, bánh kẹo, tàn tro vàng mã vương đầy trên nhiều lối phố, chợt nhớ về buổi nói chuyện của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (NNC TĐS) tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cách đây chưa lâu. Với sự hiện diện của nhiều vị tăng ni, cư sĩ và giới học giả, NNC TĐS- với tư cách không chỉ là NCC, mà còn là một người con xứ Huế, một Phật tử, Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN)-  đã thẳng thắn bày tỏ, ông hết sức muộn phiền khi trở về quê hương mỗi dịp sóc vọng, lễ tết và phải chứng kiến cảnh bà con ta đốt vàng mã quá nhiều. Theo ông, cảnh ấy không hợp và không nên có với Huế, vùng đất được mệnh danh là xứ Thiền kinh, là một trong những chiếc nôi của PG nước nhà. Bởi lẽ, tục đốt vàng mã vốn dĩ trong PG không có. Nếu có chẳng qua chỉ là do các ngài Tổ xưa kia, vì trình độ dân trí còn mê muội nên "tùy duyên hóa độ" để đưa người ta đến với cửa Phật, sau đó hội đủ nhân duyên, sẽ lại dần dần hướng họ về với chánh pháp. Đến thời "chấn hưng PG" những thập niên đầu thế kỷ XX, các vị cao tăng đã từng có nhiều thành tựu trong việc vận động và loại dần việc đốt vàng mã trong đời sống tâm linh của những người con Phật. Tiếc là không hiểu sao, bây giờ tục lệ này lại tái diễn đến mức trở thành "tệ nạn". "Những người con Phật chân chính cần phải tỉnh ngộ, phải biết rằng đó là hành vi không hợp với chánh pháp, không hợp với xã hội văn minh để mà nói "không" với vàng mã!"- Ông TĐS khuyến nghị. Bên cạnh đó, NNC TĐS cũng đề cập đến chuyện nhiều ngôi chùa bây giờ đưa đủ thứ tranh tượng vào thờ khiến chốn thiền môn đôi lúc trở nên "hầm bà lằng", lặp lại những sai lầm trong quá khứ, điều mà các vị cao tăng thạc đức thời "chấn hưng" cũng đã nhọc sức tu chỉnh để PGVN trở về với những giá trị truyền thống. Những điều "không phù hợp" như thế, theo ông TĐS, rất không nên...

Những phát ngôn của NNC TĐS ngay tại Trung tâm văn hóa PG của đất Thiền kinh khiến không ít người cảm thấy ái ngại vì lo "đụng chạm". Song, với nhiều người, họ cho đó là sự "đụng chạm" cần thiết. Đó là trong lĩnh vực văn hóa PG, còn suy rộng ra trong xã hội, ở thời đại 4.0 này, sự giao thoa, va đập giữa những nền văn hóa là điều tất yếu. Nhiều "trào lưu", nhiều "phong cách" dị biệt sẽ tràn vào xứ ta là điều không thể tránh né. Vấn đề là phải biết chọn lựa cái gì phù hợp để mà tiếp thu, cái gì không phù hợp để tránh đi. Điều ấy đòi hỏi bản lĩnh của mỗi cá nhân, đặc biệt là đòi hỏi bản lĩnh từ các cơ quan quản lý. Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, một người phụ nữ mà cách đây đến hơn 150 năm đã nghĩ đến điều này, lẽ nào người đời nay không nghĩ?

HIỀN AN