Sinh viên tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Ảnh: Nikkei

Châu Á có 21 trường đại học lọt vào danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Trong số đó, 6 trường đại học ở Trung Quốc, 5 trường đại học ở Nhật Bản, 3 trường đại học ở Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), 3 trường đại học ở Hàn Quốc, 2 trường đại học ở Singapore, 1 trường đại học ở Ấn Độ và 1 trường đại học Đài Loan (Trung Quốc).

Danh sách do tạp chí Times Higher Education có trụ sở tại Vương quốc Anh biên soạn cũng lưu ý, các trường đại học ở Singapore đạt những bước tiến lớn nhất.

Theo đó, cả 2 trường đại học ở Singapore bao gồm Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đều đạt được những thành tựu đáng chú ý, khi Đại học Quốc gia Singapore tăng 3 bậc lên vị trí thứ 24 và Đại học Công nghệ Nanyang nhảy vọt từ nhóm 81-90 lên nhóm 51-60.

Tuy nhiên, trong một danh sách được thống trị bởi các trường đại học ở Mỹ, ngôi trường đại học châu Á giành được vị trí tốt nhất, vị trí thứ 13 là Đại học Tokyo, dù trường này đã giảm 2 bậc so với năm 2017. Các đại diện khác đến từ châu Á lọt vào top 20 là các trường đại học Trung Quốc, gồm Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.

Ông Phil Baty, Tổng biên tập xếp hạng toàn cầu của Times Higher Education cho rằng, trong khi Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa tạo nên sự nổi bật, những ngôi trường nổi tiếng khác từ Trung Quốc lại trượt khỏi danh sách; đồng thời những vị trí "vững chãi" trước đó của các trường đại học Nhật Bản dẫn đầu bảng xếp hạng châu Á lại "bị đe dọa nghiêm trọng".

Tạp chí Times Higher Education cho biết, bảng xếp hạng này dựa trên 10.162 phần trả lời từ các học giả trên khắp thế giới, khi cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 1-3 năm nay. Trong số đó, 32% học giả đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Australia, nơi có 3 trường đại học nằm trong top 100.

Vị trí các trường đại học châu Á trong bảng xếp hạng mới nhất của tạp chí Times Higher Education. Ảnh: Nikkei/Times Higher Education

Là xếp hạng dựa trên danh tiếng của các trường đại học, những vị trí đầu bảng được thống trị bởi một số trường đại học lâu đời nhất và được đánh giá cao nhất trên thế giới, với những cái tên nổi bật như Harvard, Stanford, Cambridge và Oxford, cùng với Viện Công nghệ Massachusetts chiếm giữ 5 vị trí đầu tiên.

Đáng chú ý, gần 1/2 tổng số những trường được liệt kê trong bảng xếp hạng là các trường đại học ở Mỹ, với 44 trường đại học. "Các trường đại học ở Mỹ vẫn được đánh giá cao nhất trên thế giới", tạp chí Times Higher Education khẳng định.

Những phát hiện này có phần khác so với bảng xếp hạng tổng thể các trường đại học trên thế giới gần đây nhất do Times Higher Education công bố hồi tháng 9/2017. Trường đại học Harvard dẫn đầu bảng xếp hạng danh tiếng mới này, nhưng trước đó chỉ đứng ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng tổng thể của Times Higher Education, trong khi 2 vị trí dẫn đầu thuộc về Oxford và Cambridge, các trường đại học của Anh có niên đại từ thế kỷ 12 và 13.

Bảng xếp hạng thế giới rộng lớn hơn nói trên đã xếp hạng hơn 1.000 trường đại học, cũng lần đầu tiên đưa 3 trường đại học ở châu Á vào top 30. Trong đó, trường đại học châu Á được xếp hạng cao nhất là Đại học Quốc gia Singapore, dù trường này chỉ là trường châu Á được xếp hạng cao thứ 4 trong bảng xếp hạng danh tiếng mới.

Các kết quả khảo sát của tạp chí Times Higher Education và hồ sơ của các trường đại học khác cho thấy, các trường đại học châu Á đang mở rộng danh tiếng mạnh mẽ trong các lĩnh vực như: kỹ thuật, khoa học và toán học, với xếp hạng của Times Higher Education cũng khẳng định trường Đại học Quốc gia Singapore là nơi tốt thứ 7 trên thế giới để nghiên cứu kỹ thuật.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei & Times Higher Education)