Dự án “Lập kế hoạch tổng thể cho xe đạp và chương trình chia sẻ xe đạp miễn phí/chi phí thấp tại TP. Hội An” vừa được Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển của Cộng hòa Liên bang Đức chọn trao giải thưởng “Giao thông đô thị toàn cầu”. Lễ trao giải dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Leipzig (Đức) từ ngày 22-25/5.

Nữ sinh Huế. Ảnh: Song Khánh

Phòng Văn hóa thông tin TP. Hội An - đơn vị thiết lập kế hoạch này cho biết, mục tiêu của dự án nhằm giải quyết hai vấn đề chính, đó là an toàn đường bộ và sức khỏe cộng đồng, bằng cách phát triển một kế hoạch tổng thể cho giao thông xanh, bền vững, với phương tiện đi lại phổ biến là xe đạp. Theo đó, Hội An sẽ phát triển một chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí hoặc chi phí thấp, bằng cách kết nối các chương trình xe đạp hiện có của các khách sạn. Kế hoạch này được thiết lập dựa trên chương trình “Thành phố sinh thái” mà TP. Hội An đã thực hiện từ năm 2009 đến nay. Hội An đã xác định trở thành một “thành phố sinh thái”, thân thiện với môi trường, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa, phát triển du lịch và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Xe đạp là phương tiện được khuyến khích sử dụng do phù hợp với cự ly đi lại của người dân trong thành phố.

Các chuyên gia cho rằng, mô hình này có thể áp dụng ở các thành phố có quy mô vừa và nhỏ, với đặc điểm tương đồng. Nếu Hội An làm được thì Huế có làm được không?

KTS. Nguyễn Ngọc Dũng, một người Huế hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh, tác giả bộ sách “Lang thang phố thị”, một tiếng nói phản biện mạnh mẽ trên các diễn đàn quy hoạch đô thị Việt Nam. Hơn mười năm trước, trong một lần say sưa bàn bạc về tương lai của đô thị Huế, anh cho rằng Huế hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành “Thành phố không khói xe”. Quy mô đô thị không lớn, dân số đô thị thấp, cự ly di chuyển trong đô thị không xa, không gian vốn đã xanh, nhịp sống vốn chậm rãi... Vì vậy, Huế nên chọn xe điện làm phương tiện công cộng, và xe đạp là phương tiện cá nhân. Xóa dần xe máy và kiểm soát ô tô cá nhân với số lượng phù hợp.

Đó là một phác thảo đưa ra để thử hình dung, còn giải pháp cụ thể thì đương nhiên sẽ có các nhà chuyên môn tính toán. Cũng đã có người không đồng ý với những lý lẽ bác bỏ rất chi là hùng hồn. Nhưng nếu cứ thấy khó lắm rồi “bàn lui”  thì đương nhiên lui sẽ dễ hơn tới. Khi chính quyền TP. Huế chuyển các khu “phố Tây” Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An làm phố đi bộ, nhiều người cũng nói khó lắm, nhưng rồi vẫn làm được đó thôi. Chuyện “Huế - thành phố xe đạp” cũng như vậy, nếu nghĩ khó thì sẽ thấy bất khả thi.

Huế sẽ yên bình, thong dong hơn nếu mọi người đều đi xe đạp

Tôi thì nghĩ rằng nó khó nhưng không phải là không làm được, khi mà tỉnh đã xác định mô hình đô thị của Huế là đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Huế cũng đã được Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) vinh danh là TP. Xanh quốc gia của Việt Nam - thành phố đi đầu cả nước trong phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, một chỉ số để xác định đô thị sinh thái đó chính là khả năng dân cư có thể và ưa thích việc tiếp cận hầu hết dịch vụ cơ bản bằng cách đi bộ, đi xe đạp và vận chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng. Cũng theo chuyên gia này, trong các tiêu chí của đô thị sinh thái, đó là giao thông đô thị với thứ tự ưu tiên: đi bộ, xe đạp, giao thông công cộng bằng xe điện hoặc tàu điện ngầm, giao thông công cộng bằng xe bus, rồi mới đến xe ô tô con. Nếu Huế xác định trở thành đô thị sinh thái mà người dân vẫn không chịu rời chiếc xe máy, chiếc ô tô, thì mục tiêu đó sẽ không bao giờ thực hiện được.

Amsterdam, Copenhagen, Paris, Berlin, Barcelona, Tel Aviv, Rio de Janeiro... là các “Thành phố xe đạp” nổi tiếng thế giới. Trong đó, thành phố Amsterdam của Hà Lan là nơi có nhiều điểm tương đồng với Huế: đô thị cổ, ít dân cư, nhiều di sản, ẩn mình trong thiên nhiên. Người dân ở đây cũng như du khách không thích đi ô tô trong thành phố vì đường phố xưa cũ chật hẹp, không thể chiêm ngưỡng được cảnh vật xung quanh, chi phí bãi đậu xe lại đắt đỏ.

Vì vậy, hơn 60% người dân và du khách đã chọn xe đạp. Ước tính, Amsterdam có hơn 1,2 triệu xe đạp, nhiều hơn cả dân số thành phố (khoảng 750.000 người).

KTS. Đặng Minh Nam, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng rất tâm đắc với ý tưởng “Huế - thành phố xe đạp”. Theo anh, trước mắt có thể triển khai ở khu vực Thành Nội, nơi mà anh và các cộng sự đang quy hoạch trở thành “Không gian đáng sống”. Nguyễn Đình Anh Khoa, chàng trai có biệt danh “Khoa xe đạp”, cũng rất hào hứng với ý tưởng này. Anh đã có ý định làm xe đạp sinh thái kiểu như Amsterdam, nhưng còn vướng một số khó khăn nên đang tính phương án hợp lý hơn. Khoa ấp ủ sau khi kinh thành trùng tu xong, sẽ mở một tour đạp xe trên thượng thành, vòng quanh kinh thành Huế. Sở Du lịch cũng đang triển khai một con đường dành cho xe đạp và Khoa đề xuất đó là con đường dọc bờ sông Hương từ Phu Văn Lâu lên Thiên Mụ... Chỉ mới gợi mở thôi mà đã cảm thấy ý tưởng “Thành phố xe đạp” thú vị biết dường nào.

Bài: MINH TỰ - Ảnh: ĐỨC QUANG