Mô hình nhà trẻ, mẫu giáo của Công ty Scavi Huế được CNLĐ ủng hộ và đón nhận (Ảnh do LĐLĐ tỉnh cung cấp)

Có nhà riêng - chuyện xa vời

Chúng tôi đến thăm gia đình chị N.T.D, công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp (KCN) Phú Bài (Hương Thủy) vào đúng giờ cơm tối. Căn phòng trọ khoảng 15m2 là nơi sinh hoạt của 2 vợ chồng và đứa con. Sàn nhà vừa là nơi ăn uống, tiếp khách. Hầu hết không gian phòng bị chiếm bởi chiếc giường và tủ quần áo, bếp nấu ăn chỉ là loại mini và khu vực nấu nướng được tận dụng bên hiên. Tất cả gợi cho tôi cảm giác bức bối, tù túng.

Chị N.T.D (30 tuổi, quê ở Nghệ An) vào Huế lập nghiệp hơn chục năm. Hai vợ chồng chị đều là công nhân tại KCN Phú Bài, tổng thu nhập cộng lại khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà 800.000 đồng/tháng, cộng thêm chi phí điện nước, ăn uống hàng ngày, tiền học của con…, thu vén lắm chị D. chỉ dư ra vài trăm ngàn đồng, tháng nào có khoản phát sinh thì phải vay mượn thêm. Tích góp cả năm cộng với thưởng của công ty cũng chỉ đủ tiền về thăm quê vào dịp lễ và phòng thân lúc ốm đau. “Tài sản lớn nhất của gia đình là hai chiếc xe máy để vợ chồng đi làm mà cũng phải vay mượn thêm mới đủ tiền mua. Bây giờ chỉ mong có một căn nhà cấp 4 để thoát cảnh ở nhà thuê, nhưng xem ra còn xa vời lắm. Dự định sinh thêm đứa nữa nhưng hai vợ chồng vẫn đắn đo, sợ không đủ tiền nuôi huống hồ là tính chuyện cất nhà”, chị D. trải lòng.

Khấm khá hơn, gia đình anh Vũ Văn Hải (38 tuổi), công nhân Công ty CP Sợi Phú Nam và chị Nguyễn Thị Châm (38 tuổi), công nhân Công ty CP Sợi Phú Bài có tổng thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Gia đình anh thuê hai căn phòng trọ rộng 9m2 của người quen với giá ưu đãi (250.000 đồng/tháng), nhưng có thêm nhiệm vụ vệ sinh, bảo quản khu nhà. Tuy bớt được một khoản chi nhưng hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nên tính ra một tháng chỉ dư khoảng 1,5 triệu đồng, chỉ đủ để sắm sửa lặt vặt trong nhà.

Một góc phòng trọ được tận dụng vừa làm nơi nấu ăn, vừa là nơi sinh hoạt. Ảnh: M.N

Bức thiết

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho hay, mức lương của công nhân lao động (CNLĐ) tuy ngày càng được cải thiện nhưng chỉ dừng ở mức trung bình. Theo thống kê năm 2017, thu nhập bình quân ở khối doanh nghiệp Nhà nước là 5 triệu đồng/người/tháng, với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài Nhà nước thấp hơn, lần lượt là 4,5 và 3,5 triệu đồng. Với mức lương như vậy, CNLĐ chỉ có thể trang trải sinh hoạt phí, việc mua, xây nhà còn khó khăn.

Theo kết quả cuộc khảo sát của Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh (từ ngày 4- 12/9/2017) về nhu cầu nhà ở đối với CNLĐ tại 4 doanh nghiệp thuộc địa bàn KCN Phong Điền, trong tổng số 7.500 phiếu khảo sát thì có 47% CNLĐ có nhu cầu mua nhà ở giá thấp (hầu hết là người có gia đình), 20% có nhu cầu thuê nhà trọ, số còn lại không có ý kiến gì. Theo kết quả khảo sát, đến năm 2020, nhu cầu của công nhân được mua nhà ở giá thấp sẽ có 11.656 người, số cần thuê nhà trọ có 4.960 người.

Nhu cầu nhà ở của NLĐ ngày một tăng nhưng hiện tại 6 KCN (phân bố trên địa bàn thuộc 6 huyện và thị xã) và Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đều không có nhà trọ và các công trình phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho NLĐ. Hầu hết, công nhân ở xa đều phải trọ bên ngoài KCN, thiếu đảm bảo an toàn và lành mạnh trong sinh hoạt.

Các vùng lân cận KCN có nhiều nhà trọ cho CNLĐ. Ảnh: M.N

Chung tay tháo gỡ

Tại buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp và công nhân do LĐLĐ tỉnh tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Hữu Cáo, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh đã đặt ra vấn đề 14.000 lao động làm việc tại KCN Phú Bài đang “khát” các thiết chế văn hóa, nhà trẻ, khu thể thao… để đảm bảo điều kiện cho cuộc sống, yên tâm làm việc.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, Ban quản lý đã lập quy hoạch định hướng đến năm 2020 về đầu tư thiết văn hóa, nhà ở, nhà trẻ, khu thể thao cho công nhân tại KCN Phú Bài và đã được UBND tỉnh phê duyệt với 6 khu đất thuộc quy hoạch KCN Phú Bài giai đoạn III và các vùng lân cận. Tuy nhiên cho đến nay, các hạng mục này chưa được xây dựng do gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hơn nữa, hiệu quả đầu tư lĩnh vực này không cao nên các nhà đầu tư chưa mặn mà. Trong thời gian tới, Ban quản lý sẽ tham mưu đề xuất với UBND tỉnh tìm kiếm, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các hạng mục, như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn KCN Phú Bài đầu tư một số hạng mục thiết chế văn hóa, nhất là khu nhà ở công nhân. Đồng thời, phối hợp với LĐLĐ tỉnh đề xuất với Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa tại KCN.

CNLĐ đang thiếu các thiết chế văn hóa, nhất là nhà ở không chỉ là trách nhiệm của riêng các cấp chính quyền, mà cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, đơn vị trực tiếp sử dụng NLĐ. Công ty Scavi Huế là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng khu nhà trọ miễn phí cho CNLĐ, với gần 400 chỗ ở, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo giai đoạn 1 trên diện tích 4.300m2, với 10 phòng học cho 200 cháu. Hoặc như Công ty TNHH HanesBrands (HBI) đã hỗ trợ xây dựng hai phòng học cho con em CNLĐ tại Trường mầm non Họa Mi ở xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) gần 500 triệu đồng. Tuy nhiên, các mô hình này chưa được nhân rộng.

Về phía Công đoàn, LĐLĐ tỉnh đã có những động thái tích cực nhằm giải quyết vấn đề trên, nổi bật với dự án thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tỉnh. Trong năm 2018, 1 dự án thiết chế công đoàn quy mô sẽ được khởi công tại KCN Phong Điền trên diện tích dự kiến 4,1 ha và kinh phí đầu tư 350 tỷ đồng, gồm các khối chung cư nhà ở công nhân, nhà văn hóa, quảng trường trung tâm, nhà trẻ, siêu thị…

“CNLĐ cũng cần nỗ lực để nâng cao trình độ, ý thức kỷ luật lao động nhằm tăng năng suất, hiệu quả công việc, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển. Chỉ khi làm ăn có hiệu quả doanh nghiệp mới có điều kiện để quan tâm tốt hơn đến đời sống, phúc lợi của CNLĐ, đây là mối quan hệ hai chiều tương hỗ lẫn nhau”- ông Trần Quang Vinh khẳng định.

MINH NGUYÊN