Với 60 tác phẩm, phòng ảnh “Phụ nữ và cuộc sống” của các thành viên CLB nhiếp ảnh nữ Hải Vân khá đa dạng về đề tài, là những sản phẩm mang nặng hơi thở cuộc sống thường nhật. Từ hình ảnh cặp vợ chồng sau một đêm lao động trên đầm Lập An trở về hay người mẹ già với ánh lửa ấm áp… Có bức biểu hiện sự mộc mạc hơn phô diễn nghệ thuật. Có tác phẩm tả chân nhiều hơn sự trau chuốt tỷ mẩn của kinh nghiệm hay sức mạnh kỹ thuật số… Nhưng mỗi tác phẩm đều có sự hài hòa giữa nghệ thuật và cuộc sống, như sự cố gắng vươn lên trong đời thường của một người khuyết tật; sự cần cù của những bà những mệ, để cố giữ lấy nghề truyền thống; nét đẹp dịu dàng của các cô nữ sinh Huế; không khí sôi động của năm du lịch 2012… và đan xen những hình ảnh về thân phận nhọc nhằn trong mưu sinh; sự thầm lặng của những số phận bất hạnh, sự vượt lên số phận để vui sống…

 

Đường về (Bạch Mai)

 

 

Chị Tôn Nữ Hà, thành viên lớn tuổi nhất của CLB tâm sự: Mình yêu thích cái đẹp do thiên nhiên ban tặng trong từng khoảng khắc sống, chính vì thế mình đã gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh. Có đi mới biết, quê hương mình đẹp lắm”. Đến phòng ảnh lần này, riêng chị đã có không dưới 5 tác phẩm về thiên nhiên với vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang mùa cấy, mùa gặt. Trẻ trung như Bạch Mai có tác phẩm mang dấu ấn thời gian là “Đường về” ghi lại dáng thiếu nữ tha thướt trong tà áo dài cổ xưa; Châu Diệu trầm lặng với “Bếp lửa của mẹ”…đã tạo nên sự đa sắc cho phòng ảnh và thu hút người xem nhiều lứa tuổi.

 

Bếp xưa (Châu Diệu)

 

 

Phòng ảnh còn là sự cố gắng của những thành viên để duy trì một sân chơi lành mạnh, giúp nhau trau dồi chuyên môn, khả năng sáng tác của những người phụ nữ Huế yêu nghệ thuật ánh sáng và thể hiện sự vượt qua chính mình của các chị, Thừa Thiên Huế là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật nhiếp ảnh, nhưng khi người phụ nữ cầm máy và hướng đến sáng tạo, các chị đã gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thời gian. Quan niệm phụ nữ phải gắn với gia đình nên thời gian sáng tác của các thành viên luôn hạn hẹp. Do đây là môn nghệ thuật “chơi sang”, sự đầu tư cho máy ảnh của các thành viên cũng vô cùng khiêm tốn… Vượt lên khó khăn, các chị biết thu xếp gia đình, công việc để rong ruổi cùng nhau tìm nguồn cảm hứng sáng tạo. Và sau những chuyến đi ấy là những tác phẩm nặng giá trị nhân văn khi họ ghi lại chân thực mà cũng vô cùng lãng mạn hình ảnh những người lao động từ vùng cao A Lưới, Nam Đông đến đầm phá Tam Giang, Lăng Cô...

Bài và ảnh: Châu Giang