Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp sáng 31/5

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình Quốc hội lần này về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, một số vấn đề của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng và tiếp tục xin ý kiến Quốc hội để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, vừa bảo đảm tính khả thi như: quy định về các trường hợp xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm...

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, do có sự tán thành của nhiều đại biểu Quốc hội, Chính phủ tiếp tục mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra khu vực ngoài nhà nước, cụ thể là với tổ chức xã hội và doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng khu vực nhà nước. Cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo luật là quy định về trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị không quy định trách nhiệm của các cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo đó, mọi trường hợp phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị khác, theo ông Lê Minh Khái, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là chưa có bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý bản kê khai và sử dụng, khai thác các thông tin, dữ liệu có được để kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, dự thảo Luật cần phải có giải pháp để khắc phục.

Chính phủ lựa chọn phương án có cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, để tránh việc phát sinh về tổ chức và biên chế, Chính phủ cho rằng nên giao chức năng chuyên trách này cho hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước, giao Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trình bày thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lại cho biết, cơ quan này lựa chọn phương án khác. Cụ thể là đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án mà Chính phủ lựa chọn.

Tuy nhiên, đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan Trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

Theo Uỷ ban Tư pháp, phương án này tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này. Ngoài ra, quy định này cũng đảm bảo tính khả thi khi xác minh tài sản, hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.

Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Do còn nhiều ý kiến khác về việc bổ sung quy định khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu xin ý kiến của từng đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong công nhân.

Tranh luận về ý kiến này, đại biểu Trương Anh Tuấn - Nam Định cho rằng, một trong những nhu cầu rất cao của người lao động, của công nhân lao động tại các khu công nghiệp đó là nhu cầu được hoạt động, nhất là những hoạt động thể thao chúng ta thấy ở bên ngoài rất phổ biến. Do đó, việc cần phải dành đất cho công trình thể thao khi xem xét, tính toán xây dựng các khu công nghiệp là hết sức cần thiết.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết việc có bổ sung quy định khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao là một vấn đề mới. Trên cơ sở tôn trọng những ý kiến thảo luận còn có những ý kiến khác nhau và đảm bảo sự thận trọng trong việc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sau khi xin ý kiến Chủ tịch, Đoàn Chủ tọa đề nghị Quốc hội cho phép gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Nhật Nguyên (tổng hợp)