Bên cạnh việc hoàn thành chương trình sắp xếp nò sáo trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, hình thành 10 khu bảo vệ làm bãi đẻ cho các loài thuỷ hải sản và tổ chức thả hàng triệu con giống các loại hàng năm vào tự nhiên, nhằm tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, còn có rất nhiều vấn đề cần được rà soát, tổ chức lại trước việc khai thác, đánh bắt thuỷ sản không bền vững trong nhiều năm trở lại đây. Điều đáng nói là, mặc dù đã được cảnh báo từ nhiều kênh thông tin truyền thông, từ các cơ quan chức năng song tình trạng này vẫn tiếp diễn và “kháng sinh” từ các biện pháp khác nhau vẫn chưa đủ trợ lực để giúp hệ sinh thái vùng biển, nhất là đầm phá phục hồi. Nguy cơ mất cân bằng vẫn tiềm ẩn và lơ lửng trước việc khai thác vô tội vạ...

Cùng với việc đặt lại vấn đề nghiên cứu tổ chức, xây dựng Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản tỉnh đến năm 2020; nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển và hỗ trợ đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ và hạ tầng nghề cá, có ba vấn đề được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu “chốt” để tập trung cho chất lượng thuỷ sản, tạo được sản phẩm tại buổi làm việc liên ngành mới đây là xác định cho được các đối tượng nuôi chủ lực với cơ cấu đảm bảo về con giống; rà soát, kiểm tra, khảo sát và đề xuất thành lập các khu bảo vệ thuỷ sản trên vùng đầm phá, quản lý nò sáo, quy hoạch đầm Sam Chuồn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, bên cạnh việc lập đề án tăng cường hoạt động của các chi hội nghề cá, việc cần làm là phải tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Theo đó, chú ý công tác kiểm tra thường xuyên để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng phương tiện cũng như các cơ sở sản xuất, chế tạo dụng cụ, phương tiện đánh bắt mang tính chất huỷ diệt. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên vùng đầm phá và các mặt nước ao, hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ diện...

Chủ trương, kế hoạch đã có. Vấn đề là việc triển khai lực lượng cùng các biện pháp đi cùng như thế nào để không chỉ khai thác tốt mà còn bảo vệ được sự tái tạo, phát triển các nguồn lợi thuỷ hải sản vùng biển và đầm phá trên địa bàn. Đây cũng là vấn đề được người dân trông mong và trông vào như một sự đánh giá, kiểm chứng năng lực quản lý và điều hành hoạt động của ngành cũng như của chính quyền các địa phương có vùng biển và vùng đầm phá. Lẽ hẳn nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào nhân lực, phương tiện và cả nguồn kinh phí nhưng điều cơ bản là, nguồn lợi tự nhiên ở lĩnh vực này đang vơi vớt, nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hiện hữu nếu các địa phương không có những giải pháp và đề xuất những giải pháp cụ thể, phù hợp...

Hạnh Nhi