5G là công nghệ không dây thế hệ thứ năm dành cho con người, nhưng là thế hệ đầu tiên dành cho máy móc thiết bị. Nếu như công nghệ 4G trở về trước hoàn toàn phục vụ con người, thì từ 5G trở đi, công nghệ này sẽ kết nối cả máy móc, thiết bị.

Xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, nhưng người tiêu dùng và xã hội đang đặt câu hỏi: cuộc cách mạng này mang lại lợi ích gì? Đại diện của Nokia cho rằng cuộc cách mạng lần thứ tư này mở ra tiềm năng rất lớn. Với Nokia, mạng tương lai 5G mà họ gọi là Future X - là nền tảng trong công nghệ 5G.

Phát triển nhanh, nhưng không đốt cháy giai đoạn

Phát triển công nghệ 5G không phải là sự thay đổi đột ngột từ 4G, mà là một hành trình dài. Đã có nhiều cuộc cách mạng công nghiệp khác nhau diễn ra, trong mỗi cuộc cách mạng, có một nhân tố về công nghệ thúc đẩy cuộc cách mạng đó. Và ở thời điểm này, khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, 5G là công nghệ không thể thiếu.

Triển khai 5G là một hành trình, do đó chúng ta không phải chờ đợi đến khi chín muồi rồi “triển khai vào ngày hôm sau” mà cần phải đi từng bước để tiến đến đích. Để triển khai 5G cần có 3 điều kiện: chuẩn bị mạng vô tuyến, chuẩn bị mạng lõi dựa trên nền tảng điện toán đám mây, chuẩn bị mạng truyền tải. Có thể mất 5-6 năm thì mạng 5G mới đến thời điểm triển khai, tuy nhiên, cần phải chuẩn bị từng bước.

Khi nói về 5G, mọi người thoát ra khỏi suy nghĩ thông thường về việc “đã có 2G, thì sẽ đến 3G, 4G, và tất nhiên sẽ đến 5G, thậm chí 6G”. Tuy nhiên, 5G rất khác biệt so với các “G” trước. Với ba đặc điểm của 5G, có rất nhiều cơ hội cho các nhà mạng viễn thông. Trước đây, các nhà mạng chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ viễn thông cho con người, tuy nhiên, với ba đặc tính của 5G, các nhà mạng có rất nhiều cơ hội tạo ra doanh thu mới trong nhiều ngành kinh tế khác nhau.

Tiềm năng về quy mô thị trường trong một số năm tới của các nhà mạng như triển khai giải pháp cho các nhà máy, công trường, thành phố, vận tải, y tế… Dù với con số dự báo thấp nhất, cũng có thể thấy cơ hội cho các nhà mạng viễn thông đã lên đến hàng tỷ USD. Đó là những lĩnh vực mới để các nhà mạng khai thác.

3 yếu tố giúp 5G phát triển bùng nổ

Theo khung thời gian hiện tại, giai đoạn ban đầu khi 5G thương mại hóa, chủ yếu đối tượng sử dụng vẫn là smartphone, nhưng trên smartphone, người dùng sẽ sử dụng những dịch vụ cao cấp hơn cũng như tốc độ cao hơn, thông lượng lớn hơn.

Vào khoảng năm 2020, sẽ có những hoạt động ứng dụng 5G khác như tự động hóa nhà máy hoặc số hóa. Đến sau năm 2022, những công nghệ như Internet haptic (cảm giác, xúc giác), giúp người dùng có thể cảm thấy những gì mình nhìn thấy. Ví dụ, trong y tế, khi sử dụng robot để khám bệnh từ xa, có thể cảm nhận được nhiệt độ, bề mặt da của bệnh nhân như khi đang khám chữa bệnh trực tiếp.

Có ba yếu tố dẫn đến sự phát triển công nghệ 5G. Thứ nhất, đó là dữ liệu người dùng di động tăng mạnh và sự ra đời của nhiều dịch vụ di động mới. Với sự tăng trưởng dữ liệu, mạng hiện tại không thể đáp ứng, do đó dẫn đến đòi hỏi sự ra đời 5G. Theo dự báo, trong những năm tới, nhu cầu dữ liệu sẽ tăng đến 65%.

Thứ hai, về mặt chuẩn hóa 5G, các bộ tiêu chuẩn đã được hoàn chỉnh. Có hai bộ tiêu chuẩn: một bộ đã được hoàn thành vào tháng 3 năm nay, và một bộ sẽ được đưa ra vào tháng 9 năm nay.

Thứ ba, thị trường thuê bao di động gần như đã bão hòa và gây khó khăn cho các nhà mạng di động trong việc tăng doanh thu. Do đó, các nhà mạng phải thâm nhập vào các lĩnh vực mới như tự động hóa nhà máy hay thành phố thông minh… để tạo doanh thu mới. Khi tiếp cận những lĩnh vực này, công nghệ mạng hiện tại không thể đáp ứng được và cần phải có công nghệ mạng mới 5G.

Theo vnmedia.vn