Tiểu thương, đội trật tự, bảo vệ, xích lô xe thồ, xếp dỡ... tại chợ Đông Ba được tập huấn thao tác PCCC

Chủ động tại chỗ

Chợ Đông Ba là nơi tập trung đông người, có nhiều ngành hàng, quầy, lô hàng trong đó có nhiều hàng dễ cháy. Đây là điều đáng lo ngại trong công tác PCCC, nhất là thời điểm mùa nắng nóng khi tại đây có khối tài sản lớn của hơn 2.700 tiểu thương.

Thực tế, chợ Đông Ba đã từng xảy ra các vụ cháy như vụ cháy sân nhà xe, cháy gần chân cầu Chương Dương... nhưng đã được dập tắt kịp thời. Gần đây nhất là vụ cháy ở lầu chuông C vào buổi trưa. Nhờ sự nhanh tay của các tiểu thương nơi xảy ra cháy đã kịp thời cắt cầu dao điện, dùng bình cứu hỏa dập tắt đám cháy, không cho cháy lan qua các quầy bên cạnh; đồng thời được sự hỗ trợ kịp thời của lực lượng bảo vệ an ninh khu vực nên đám cháy được khống chế.

Vụ cháy được chữa thành công là nhờ sự chủ động, cảnh giác và tinh thần phối hợp kịp thời. Sau vụ cháy, tiểu thương càng ý thức cao hơn về tầm quan trọng của việc phòng cháy và vai trò của việc ứng cứu tại chỗ.

Xác định ý thức, trách nhiệm, sự chủ động của lực lượng tại chỗ là yếu tố quan trọng trong công tác PCCC, hằng năm, từ đầu mùa cao điểm dễ xảy ra cháy, BQL chợ Đông Ba phối hợp với đơn vị chức năng tập huấn nghiệp vụ PCCC cho đại diện cán bộ BQL chợ, tiểu thương, nghiệp đoàn xích lô xe thồ, đội trật tự, bảo vệ, xếp dỡ, trông giữ xe... để nâng cao kỹ năng, sử dụng thành thạo các phương tiện PCCC, sẵn sàng xử lý khi có cháy xảy ra.

Cần đầu tư nhân lực, vật lực

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra những vụ cháy tại chợ Tứ Hạ (TX. Hương Trà), chợ Nong (huyện Phú Lộc), chợ Điền Hải (huyện Phong Điền) làm nhiều tiểu thương lâm vào cảnh trắng tay, tổn thất về tài sản hơn 30 tỷ đồng.

Nhận thức được tổn thất to lớn nếu xảy ra cháy chợ, BQL các chợ và tiểu thương luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng là chính, kịp thời chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài một số chợ xây mới như chợ Phú Bài (TX. Hương Thủy), chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế), chợ Minh Tâm (Phong Điền)... được đầu tư hệ thống PCCC cơ bản, hầu hết các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn đều ít được chú trọng đầu tư, hoặc nếu có cũng đã lạc hậu.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng BQL chợ An Cựu thừa nhận, dù thiết bị PCCC vừa được BQL chợ đầu tư thêm, nhưng nếu xảy ra cháy, việc chữa cháy cũng gặp khó khăn do quá tải về lô hàng, đường đi trong chợ quá chật hẹp, các mặt bên, mặt sau chợ tiếp giáp nhà dân nên rất khó để tiếp cận hỗ trợ chữa cháy từ bên ngoài.

Theo phân tích của cơ quan chức năng về những vụ cháy xảy ra tại các chợ, 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, 47% vụ cháy là do sự cố hệ thống điện và sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC và 33,3% do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng trong chợ.

Với những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy được cảnh báo, trong khi điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị PCCC chưa đảm bảo, giải pháp phòng cháy khả thi nhất là tuyên truyền, nhắc nhở tiểu thương hàng ngày, nhất là trước khi đóng lô ra về phải tự kiểm tra an toàn PCCC tại lô hàng mình, tắt đèn, quạt, cắt cầu dao điện, không thắp hương, đốt trầm...

BQL chợ Đông Ba đã đề ra nội quy an toàn PCCC tại chợ gồm 10 điều quy định rất nghiêm túc. Trong đó có một số điều nghiêm cấm: kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất dễ gây cháy, nổ trong khu vực chợ; thắp hương, đèn, nến thờ cúng, đốt vàng mã, thuốc lá cúng, lập bàn thờ cúng...; tự ý câu, mắc sử dụng điện, dùng các thiết bị điện nguy hiểm, công suất lớn; để, treo, móc hàng hoá vật dụng dễ cháy gần hệ thống điện...

Hầu hết các chợ trên địa bàn đều xây dựng nội quy, quy chế về PCCC, tuy nhiên, tình huống xảy ra cháy thường bất ngờ, khó kịp trở tay. Do đó, các BQL chợ cần thường xuyên tổ chức tập huấn về kiến thức, kỹ năng, thao tác sử dụng phương tiện PCCC cho đội quản lý trật tự, bảo vệ, tiểu thương.

Bên cạnh đầu tư trang bị cơ sở vật chất, thiết bị PCCC, BQL chợ, cơ quan chức năng cần bố trí thêm lực lượng PCCC tại chỗ và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để đội ngũ này phát huy tốt nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Hoài Thương