Toàn bộ phần đầu của sách là chép thơ của vua Minh Mệnh, quyển 1 chép 62 bài thơ, quyển 2 chép 99 bài thơ, tổng cộng có 161 bài. Qua so sánh, đối chiếu với bản in thơ Ngự chế tại Viện Hán Nôm thì những bài thơ được chép trong Ngự thi toàn tập có tiêu đề bài thơ, nội dung trùng với bản in.

 

Một trong trang Ngự thi toàn tập

 

 

Về thơ Ngự chế của vua Minh Mệnh có một số lượng lớn được in trong Ngự chế thi từ sơ tập đến lục tập. Đây là những sáng tác của vua Minh Mệnh những bài thơ làm từ năm 1833 đến năm 1840. Tuy nhiên, khi vua Minh Mệnh mất, phần thơ cuối cùng còn hơn 500 bài đã được vua Thiệu Trị sưu tầm và cho khắc in năm 1841. Các bài thơ chép tay trong Ngự thi toàn tập như: Thiên lý kính, Kinh thành đại kì cán, Vịnh sắc cúc, Minh viễn lâu, Vạn Tượng quốc vương khoản quan cập Trấn Ninh nội thuộc thi dĩ chí sự, Bắc Thành thủy hoạn giáng chỉ chẩn tuất thi dĩ chí sự, Đối nguyệt bất lạc, Muộn, Vũ (thất nguyệt thập nhị dạ ), Ngũ sắc anh vũ, Tự huấn.

 

Như vậy, riêng về thơ Ngự chế thi vua Minh Mệnh có đến 6 tập với hơn 3500 bài thơ. Ngoài ra còn có Thiên cơ dự triệu thi, Ngự chế văn sơ tập và Nhị tập, Ngự chế tiễu bình Nam kì nghịch phỉ thi tập, Ngự chế tiễu bình Bắc kì nghịch phỉ thi tập…

 

Đối với vua Minh Mệnh, quan niệm làm thơ không cần khéo, không cần phải cùng với văn sĩ tranh trưởng, mà làm thơ cốt để chiêm nghiệm mưa nắng thời tiết, làm thơ để biết lẽ kính trời, yêu dân và làm cho mình tốt hơn. Có lẽ vì quan niệm đó mà thơ Minh Mệnh có rất nhiều bài thơ về vũ (mưa), tình (nắng), lương (mát), thử (nóng), rất nhiều bài về cây lúa và giá lúa.

Thơ vua Minh Mệnh người ta thấy được cái tình của người làm vua đối với dân, đó là sự lo lắng khi mất mùa lúa hay bị thiên tai thủy hoạn, hay niềm vui khi nghe tin dân được mùa. Đọc thơ Minh Mệnh sẽ cho ta thấy một ông vua làm thơ vì việc nước nhiều hơn là làm thơ để thỏa chí tang bồng như nhiều văn sĩ đương thời.

Nguyễn Huy Khuyến