Vì mục tiêu khẳng định sản phẩm chủ lực 

Thừa Thiên Huế có rất nhiều đặc sản nổi tiếng cả trong và ngoài nước, nhất là những đặc sản về ẩm thực và nông sản. Đã có 11 đặc sản của địa phương được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp vào 14 top đặc sản nổi tiếng Việt Nam và Bún bò Huế là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị Ẩm thực châu Á” do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập. Đến cuối năm 2017, trong số 65 đặc sản gắn với các địa danh của tỉnh, có 1 đặc sản được hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý và 28 nhãn hiệu tập thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, cần lập danh sách các đặc sản địa phương

Đẩy mạnh phát triển thương hiệu các đặc sản địa phương, từ năm 2013, Thừa Thiên Huế đã có chiến lược phát triển thương hiệu các đặc sản tỉnh đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng cơ chế, chính sách về phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản địa phương vẫn còn nhiều lúng túng. Các thương hiệu khi xây dựng chỉ dừng lại ở mức độ xác lập quyền đối với nhãn hiệu tập thể hay chỉ dẫn địa lý mà chưa có các giải pháp đồng bộ tổ chức theo các hướng, như: quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá phát triển thương hiệu... Nhiều sản phẩm vẫn chưa có thương hiệu. Các cơ sở sản xuất thiếu sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm chưa tiếp cận được với người tiêu dùng, hạn chế khả năng phát triển quy mô sản xuất cũng như tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ vừa biểu dương những nỗ lực của Sở KH&CN và các ban, ngành, địa phương trong các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, đồng thời nhấn mạnh việc quan trọng của Thừa Thiên Huế trong thời gian tới là cố gắng lập được danh sách các đặc sản địa phương. Từ đó, tập hợp mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, tạo nên những sản phẩm đặc sản có giá trị và có thị phần cả trong và ngoài tỉnh.

Tôm chua Huế, một món ăn được nhiều du khách lựa chọn làm quà

Theo PGS. TS. Nguyễn Đăng Hào (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế), trong một thời gian dài các cơ sở sản xuất hàng đặc sản của Thừa Thiên Huế có quy mô nhỏ, tính liên kết kém và thiếu tổ chức kinh tế hỗ trợ cho người sản xuất. Do đó, tuy có tiềm năng rất lớn về những ngành hàng đặc sản, nhưng Thừa Thiên Huế vẫn chưa tạo ra được những sản phẩm đặc trưng và riêng có.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị đặc sản, PGS. TS. Nguyễn Đăng Hào gợi ý 5 giải pháp cần tập trung thực hiện, gồm: Nâng cao năng lực cho người sản xuất thông qua cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào tốt và ổn định; tập huấn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ mới vào nguyên liệu sản xuất, chế biến bảo quản và hỗ trợ vốn cho cơ sở sản xuất. Thứ hai, nâng cao hiệu quả hệ thống marketing và nâng cao năng lực tiếp cận về thị trường. Thứ ba, nâng cao chất lượng đặc sản thông qua việc cải thiện công nghệ sản xuất. Thứ tư, tăng cường sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi liên kết dựa trên sự liên kết theo chiều dọc giữa các nhóm hộ - công ty - hệ thống bán lẻ. Thứ năm, tăng cường vai trò của các công ty dẫn dắt ngành hàng đặc sản, nhất là các công ty du lịch, lữ hành”, PGS. TS. Nguyễn Đăng Hào gợi ý.

Thanh trà Thủy Biều đến nay đã có mặt ở nhiều siêu thị trong toàn quốc 

Từ góc độ của người công tác trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Phúc (Phó Giám đốc Sở Du lịch) cũng bày tỏ sự đồng thuận với nhiều ý kiến được nêu tại Hội thảo. Đó là cần thiết chọn những bộ tiêu chí cụ thể cho mỗi loại đặc sản và ưu tiên tập trung phát triển trong từng giai đoạn để phục vụ du lịch. Trong số rất nhiều sản phẩm đặc sản hiện nay của Huế, như: thanh trà, sen, cam, mè xửng, trà…, cần ưu tiên chọn những đặc sản mang tính đặc trưng địa phương, được nhiều người biết đến, đã có thương hiệu và phù hợp với thị hiếu của du khách.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đó là khẳng định của ông Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở KH&CN đối với các doanh nghiệp trong các hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Theo đó, Sở KH&CN sẽ hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giống cây trồng mới. Đồng thời, hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý đối với các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương. Đặc biệt sẽ hỗ trợ triển khai các dự án xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý đối với hai đặc sản của địa phương trong các năm 2018-2019. 

Tham dự hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đều có ý thức rất tốt về quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp. Họ coi đó là “bộ móng giá trị” cho “ngôi nhà” sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, là cơ sở tốt nhất để doanh nghiệp tự bảo vệ quyền lợi của mình trước hàng giả, hàng nhái. Ông Nguyễn Đức Phượng, đại diện sản phẩm Trà Cung đình đề nghị các doanh nghiệp không nên chạy theo giá cả thị trường, sản xuất hàng hóa đại trà, làm giảm chất lượng của chuỗi giá trị trong sản phẩm. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ông Phượng cũng mong muốn “coi doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đặc sản như những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Gần gũi, chia sẻ và lắng nghe họ nhiều hơn, chắc chắn những nỗ lực nâng cao chất lượng chuỗi giá trị trong các sản phẩm đặc sản sẽ đạt hiệu quả tốt hơn”.

Ông Nguyễn Đức Phượng cho rằng cần gần gũi, chia sẻ và lắng nghe DN nhiều hơn

Bàn đến chuỗi giá trị, ông Trương Văn Bắc (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất tinh dầu Hoa Nén) quan tâm đến vấn đề nguyên liệu bền vững cho sản phẩm. Kinh nghiệm từ những khảo sát thực tế của doanh nghiệp, ông Bắc cho rằng nếu không có những giải pháp kịp thời và phù hợp về vùng nguyên liệu, thì chỉ khoảng 4-5 năm nữa, sản phẩm dầu tràm Huế sẽ đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Công ty Sen Hoàng Long lại có đề xuất cần được các cơ quan chức năng hỗ trợ về nguồn giống sen Huế, đồng thời hỗ trợ về việc ứng dụng công nghệ vào khâu sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kết thúc hội thảo, ông Trần Ngọc Nam khẳng định những vấn đề được đưa ra bàn luận ngay từ đầu đã đạt được nhiều kết quả. “Thông qua ý kiến của các doanh nghiệp, chúng tôi thấy được những vấn đề còn có nhiều khó khăn, bất cập và những mong muốn của các doanh nghiệp khi muốn đăng ký sở hữu trí tuệ. Tham gia thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, chúng tôi cũng xác định được những vấn đề mà Thừa Thiên Huế đang cần để triển khai một cách tập trung và có hiệu quả”, ông Nam nói.

Bài, ảnh: Đồng Văn