Cho con học được ở một ngôi trường tốt luôn là mong ước của các bậc phụ huynh (Trong ảnh: Một giờ sinh hoạt của cô & cháu Trường MN Hoa Mai)

Mặc dù nhiều vụ đã bị phát giác và xử lý, mặc dù đã bị dư luận xã hội lên án cật lực, nhưng dường nạn bạo hành trẻ ở một số cơ sở nuôi dạy trẻ, nhất là ở cơ sở dân lập, tự phát vẫn chưa chấm dứt. Các chủ cơ sở, các “cô” nuôi dạy vẫn có người thách thức dư luận, xem thường luật pháp. Mới đây nhất là vụ bạo hành xảy ra ở Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười- phường Chính Gián, TP. Đà Nẵng. Những hình ảnh trẻ trần truồng, bị đè ngửa để nhét thức ăn, bị ôm đầu xách ngược như bị treo ở... giá treo cổ đã làm người xem thấy sốc và hết sức phẫn nộ. Cũng may mắn là nhờ... mâu thuẫn nội bộ mà những hình ảnh ấy mới được tung ra, nếu không, chẳng biết những đứa trẻ vô tội còn phải chịu cảnh đọa đày nơi địa ngục mang tên Mẹ Mười cho đến bao giờ?!!

Tôi có người quen xuất cảnh đi định cư Mỹ. Hai vợ chồng sang đó đã luống tuổi, muốn có việc làm cho đỡ buồn và cũng để có thêm thu nhập, nghĩ mãi không biết làm gì nên nhận giữ trẻ. Người vợ giữ, người chồng lái xe đưa đón. Làm tại gia và tất nhiên là phải hết sức bí mật, và cũng chỉ dám nhận con em của bà con, người thân mà cải thiện. Bởi nhà chức trách mà biết là ... chết! Bằng đâu mà giữ? Bằng đâu mà đưa đón? Nếu bị “tóm” là a lê, phạt nặng và còn bị cắt hết trợ cấp. Lúc đó, bảo chết là vậy. Chết thật chứ không phải chết giả. Còn đừng có mà láng cháng hành hung bọn trẻ, kể cả bí mật... cấu véo. Trẻ nó biết gọi “pô-lít” (cảnh sát) đấy, nếu vô phúc để người khác bắt gặp thì càng chết nữa. Họ a lô cho “pô-lít” ngay. Và phạt, thậm chí tù liền chứ không “on đơ tờ roa” gì hết! Không phải như chỗ Mẹ Mười, quay clip chỉ để... thủ, đợi khi cơm không lành canh không ngọt mới tung lên(!). Công an xem xét “xử” cả tội không tố giác tội phạm kể cũng không oan!

Vụ “nhóm trẻ Mẹ Mười” đã như giọt nước tràn ly. Khởi tố vụ án bạo hành trẻ em là tất nhiên. Và cũng tất nhiên dư luận đang ngóng chờ cần phải áp mức án nghiêm khắc nhất, các cơ quan báo chí phải thông tin rộng rãi nhất để tạo sự răn đe trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần phải nghiêm túc rà soát điều kiện cấp phép mở cơ sở nuôi dạy trẻ. Xã hội hóa là cần thiết, nhưng dứt khoát không để xảy ra tình trạng “mượn bằng”, hoặc chỉ cần một vài người có bằng để “làm màu”, sau đó tạo cơ hội cho những người không đủ tư chất, không có lòng yêu trẻ, không có nghiệp vụ nuôi dạy trẻ núp bóng làm ăn. Việc nghiên cứu, đầu tư để phủ sóng trường mầm non, nhà trẻ đủ chuẩn cho các địa bàn, nhất là ở những khu dân cư lao động, ở những nơi tập trung xóm trọ của công nhân các nhà máy, khu công nghiệp... cũng là điều cần quan tâm, bởi đó là một trong những giải pháp căn cơ mang tính nhân văn, vừa tạo sự công bằng, bình đẳng trong chăm lo, vừa phòng ngừa nạn bạo hành đối với con trẻ.

Huy Khánh