Người chăn nuôi huyện Quảng Điền có lãi khi heo hơi tăng giá

Tiệm cận 50.000 đồng/kg

Thời gian qua, heo hơi tăng giá đột biến, người chăn nuôi có lãi gần 1 triệu đồng/con. Song, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, tránh việc khủng hoảng thừa như từng xảy ra.

Đánh giá về nguyên nhân heo hơi tăng giá, TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh cho rằng, sau thời gian khủng hoảng thừa, lượng heo cung cầu trong nước nói chung và tại Thừa Thiên Huế nói riêng đã đi vào ổn định. Heo không chỉ được tiêu thụ trong nội địa mà số ít được xuất sang thị trường Lào và Campuchia.

Suốt năm 2017, giá heo hơi ở mức thấp, tổng đàn heo ở các địa phương theo đó giảm hẳn. Nhiều hộ nuôi không mặn mà trong việc tái đầu tư. Khi mức giá tăng cao, một số hộ nuôi tỏ ra tiếc rẻ.

Chị Lê Thị Liên (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) phát triển kinh tế bằng việc đầu tư gia trại nuôi 20 con heo thịt. Năm 2017, giá heo rớt, bị thua lỗ, chị liền chuyển hướng kinh doanh và chỉ giữ lại nuôi 5 heo thịt. Đến thời điểm này, giá heo tăng cao, nhưng chị không có heo để bán.

“Lúc giá thấp, tui chăn nuôi thua lỗ nên giảm hẳn số lượng heo, chuyển sang nuôi gà. Bây giờ thấy thương lái đi thu mua heo với giá rất cao nhưng phải ngậm ngùi vì không có heo để bán”, chị Liên bày tỏ.

Tại huyện Quảng Điền, ngoài các trang trại, lượng heo trong dân hiện khá thấp khiến nguồn cung ra thị trường khan hiếm. So với năm 2016, thời điểm giá heo hơi cũng ở mức cao, lúc này heo hơi tăng gần 10.000 đồng/kg, có lúc tiệm cận mức giá 50.000 đồng/kg.

“Giá heo hơi tăng cao là tín hiệu vui cho người nuôi. Tuy nhiên, khi nhu cầu thị trường thịt heo khá lớn thì nguồn cung lại không cao. Heo được giá nên người nuôi chủ động xuất chuồng khi heo đủ trọng lượng chứ không có tình trạng găm hàng”, ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin.

Không nên tăng đàn nái

Mặc dù mức giá tăng nhưng khảo sát tại các địa phương, người nuôi vẫn tỏ ra dè dặt, giữ nguyên đàn nuôi chứ không đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Khai, Trưởng trạm Chăn nuôi thú y TX. Hương Thủy thông tin: “Hương Thủy là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn trong toàn tỉnh. Năm 2017, cùng chung với thị trường cả nước, tình trạng heo cũng ế ẩm, khó xuất chuồng khiến người nuôi không phát triển đàn nuôi, do đó đàn heo giảm mạnh. Hiện nay, mặc dù giá cao nhưng người nuôi chỉ ổn định đàn nuôi chứ không ồ ạt tăng đàn”.

Sau thời gian khủng hoảng thừa, nhiều nguyên nhân được các cơ quan chức năng chỉ ra. Theo đó, việc chăn nuôi thiếu sự liên kết khiến sản phẩm “bí” đầu ra, ngoài ra người nuôi ồ ạt tăng đàn dẫn đến sản lượng trở nên dư thừa.

TS. Nguyễn Văn Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, dù giá heo tăng cao nhưng cần đảm bảo tổng đàn để cân đối cung cầu. Theo đó, phải giữ nguyên chứ không tăng đàn nái; ngoài ra, cần cải thiện chất lượng thông qua công tác giống, chọn nuôi những con giống có tỉ lệ nạc cao, tăng chất lượng con giống.

“Hiện nay, thị trường dần cân đối được cung cầu. Chúng ta cũng đã trải qua nhiều bài học dẫn đến khủng hoảng thừa. Do vậy, người nuôi cứ nuôi heo thương phẩm, đảm bảo chất lượng đàn nái. Mỗi con heo nái mỗi năm đẻ khoảng 2,5 lứa, mỗi lứa từ 15-20 con, vì vậy nếu tăng heo nái, nguy cơ “vỡ trận” rất cao”, ông Hưng phân tích.

Tổng đàn heo toàn tỉnh hiện khoảng 210.000 con, trong đó đàn nái vẫn giữ ổn định khoảng 40.000 con. Lúc này đang là thời điểm nắng nóng, người nuôi cần chú trọng công tác phòng chống các loại dịch bệnh, tiêu độc khử trùng. Ngành Chăn nuôi thú ý tỉnh cũng khuyến cáo ngươi nuôi chủ động chế biến thức ăn phù hợp với tình hình thời tiết.

“Thời tiết nắng nóng nên chuồng nuôi cần đảm bảo thoáng mát, khô ráo, sạch sẽ, dùng tấm bạt để che nắng xung quanh. Ngoài ra, cần cung cấp đủ nước sạch và mát; tiêm phòng và tẩy giun sán cho đàn heo. Đồng thời, để tăng khả năng đề kháng cho đàn heo cần chủ động tiêm các loại vắc xin như, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, ecoli và chú ý một số bệnh sau như, cảm nóng, tiêu chảy…”, ông Hưng nói.

Bài, ảnh: Lê Thọ