Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, tháng 5/2017, Sở Tài chính đã tiến hành thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác cho 4 cán bộ lãnh đạo của sở (một giám đốc và 3 phó giám đốc).
Không chỉ tiết kiệm 170 triệu đồng/năm
Trước khi thực hiện khoán, Sở Tài chính có 2 xe ô tô phục vụ công tác chung và 1 xe ô tô phục vụ chở đoàn đi công tác và phòng chống lụt bão.
Thực hiện khoán, giám đốc mỗi tháng 4,2 triệu đồng, các phó giám đốc mỗi tháng 3,2 triệu đồng/người, cán bộ lãnh đạo sở đi công tác trong phạm vi nội tỉnh (trừ 2 huyện Nam Đông và A Lưới) đều tự túc phương tiện. Xe phục vụ công tác chung cũng được đề xuất thanh lý, hoặc chuyển cho đơn vị còn thiếu. Biên chế lái xe trước đây có 2 hợp đồng, nay 1 người chuyển vào hỗ trợ bộ phận văn thư.
Theo tính toán, sau khi cắt giảm các khoản như lương lái xe, các khoản đóng cho lái xe, nhiên liệu, sửa chữa, bảo hiểm, đăng kiểm và chi phí khoán, mỗi năm tổng chi phí giảm 34,5%, tương đương gần 170 triệu đồng. Theo ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, ngoài tiết kiệm chi phí, việc khoán xe công làm thay đổi tâm lý trông chờ, ỷ lại việc sử dụng xe công trong chức danh lãnh đạo được sử dụng xe công; tạo sự chủ động và thuận tiện hơn cho lãnh đạo trong kế hoạch công tác; giảm áp lực mua sắm ô tô công cho ngân sách và tăng nguồn thu cho ngân sách nếu tiến hành thanh lý ô tô công dôi dư sau khi khoán kinh phí sử dụng xe.
Sẽ tiết kiệm cho ngân sách tỉnh từ 10-15 tỷ đồng/năm khi áp dụng khoán xe công. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Tiết kiệm 10-15 tỷ đồng/năm
Hiện, tổng số xe công trên địa bàn tỉnh là 223 ô tô. Trong tổng số xe hiện có, rất nhiều xe có độ tuổi 18- 20 năm, cần thanh lý. Trong khi đó, số xe công theo tiêu chuẩn, định mức của Chính phủ giao là 271 xe. Theo tính toán, cả tỉnh còn thiếu khoảng 90 chiếc. Tuy nhiên, nếu chuyển qua khoán xe công thì trong thời gian tới tỉnh sẽ không mua sắm thêm xe.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính thông tin, sở đang chờ hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính về xây dựng đề án khoán xe công trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kết quả khoán thí điểm tại Sở Tài chính, nhằm giảm áp lực ngân sách về trang bị xe công, tiết kiệm kinh phí ngân sách và triển khai chủ trương khóa sử dụng tài sản công của Luật Quản lý tài sản công. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương cho phép các cơ quan, đơn vị tự chủ động đăng ký thực hiện khoán sử dụng xe công từ nay đến hết năm 2018. Sau khi có chủ trương thống nhất của UBND tỉnh, Sở Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đăng ký khoán và xây dựng đơn giá khoán, trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện đại trà từ năm 2019.
Khi việc khoán xe công được áp dụng đại trà sẽ tiết kiệm được cho ngân sách tỉnh 10-15 tỷ đồng/năm, chưa kể đến khoản tiền từ việc hóa giá lượng xe ô tô công khá nhiều tại các cơ quan, đơn vị, với mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 30-50% xe công theo quy định của Chính phủ. Khoản tiền tiết kiệm từ việc khoán xe công sẽ góp phần đầu tư cho những lĩnh vực ưu tiên của tỉnh về an sinh xã hội.
Cần một đơn vị sự nghiệp làm dịch vụ vận tải Về công tác quản lý xe công khi áp dụng mức khoán, ông Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh sắp xếp, xử lý, bố trí số xe của các đơn vị này cho phù hợp. Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh bổ sung chức năng cho một đơn vị sự nghiệp và chuyển số xe công cho đơn vị sự nghiệp quản lý, kinh doanh phục vụ chung cho các cơ quan, đơn vị khi có nhu cầu đi công tác. Hiện nay, nhiều đơn vị không có nhu cầu sử dụng xe mỗi ngày nhưng vẫn phải bỏ tiền ra để “nuôi” xe. Như vậy sẽ lãng phí nhân công, sửa chữa khi có hư hỏng. Hơn nữa, khi chuyển qua thuê khoán, cán bộ sẽ ý thức được vấn đề thuê xe nên sẽ biết tiết kiệm, qua đó tăng nguồn thu và cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị. |
Bài, ảnh: Thái Bình