Trường THPT tư thục Trần Hưng Đạo không còn nằm trong danh sách xét tuyển học sinh (năm học 2018-2019). Ảnh do Nhà trường cung cấp

Thoi thóp

Nếu như năm học 2017-2018, Trường tư thục Chi Lăng (TP.Huế) chiêu sinh được 43 em khối THPT thì năm nay ảm đạm hơn khi không có học sinh nào đăng ký. Chỉ tiêu tuyển sinh là 160 em cho thấy nhà trường vẫn rất cố gắng để duy trì. Đây là một trong những trường tư thục của tỉnh cầm cự khá tốt nhưng cũng đang trong tình trạng “thoi thóp”. Năm học 2017 - 2018, khối tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) của trường này chỉ tuyển được 76 học sinh nên Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải chuyển các em về trường công lập.

Toàn tỉnh có khoảng 5 trường THPT ngoài công lập và một số  trường TH theo chuẩn quốc tế. Các trường phát triển với quy mô khác nhau, song, kết cục đều không có người học. Ra đời sớm hơn cả là  Trường THPT tư thục Nguyễn Trãi (Hương Thủy) nhưng cũng tồn tại được 6 năm thì đóng của. Trường THPT tư thục Thế Hệ Mới (Phú Lộc) không khá hơn khi 3 năm nay không tuyển sinh nữa. Sau nhiều năm cầm cự vì tuyển sinh ít, nợ ngân hàng, nợ bảo hiểm xã hội chồng chất, khiến Trường Huế Star (Phú Vang) phải chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên vào cuối tháng 5/2018. Năm học 2018 -2019, Trường Trần Hưng Đạo (Huế) không còn nằm trong danh sách các trường trong tỉnh xét tuyển học sinh.

Ý tưởng ban đầu của các trường tư thục xây dựng hệ thống trường học chất lượng cao theo chuẩn quốc tế từ mầm non đến THPT bị phá sản. Không thu được học phí lại chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên các trường tư thục không có kinh phí đầu tư và luôn ở trong vòng luẩn quẩn. Nhiều trường vẫn còn ngổn ngang các công trình xây dựng, không theo thiết kế ban đầu đặt ra. Đầu tư theo kiểu nửa vời, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học nên khó thu hút học sinh. Từ đó, hoạt động của trường tư thục bấp bênh khi không giữ được giáo viên giỏi và không đủ kinh phí để mời giáo viên người nước ngoài về giảng dạy.

Nhiều phụ huynh đã kỳ vọng về môi trường giáo dục đạt chuẩn quốc tế, nhưng họ lại không yên tâm cho con theo học vì từ cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục vẫn  chưa “đến đầu, đến đũa”. Thành tích của các em vẫn còn quá mờ nhạt trong các cuộc thi nên phụ huynh không biết nhiều về mô hình trường tư thục.

Khó sống trên đất học

Trường THPT tư thục khó sống trên đất học như Huế cũng là điều dễ hiểu. Tâm lý phụ huynh vẫn muốn con em học trường công lập, thậm chí, trường càng có bề dày truyền thống càng được ưa chuộng. Chỉ tính riêng những trường công lập có thương hiệu đã hút một số lượng học sinh không nhỏ. Hơn nữa, các trường công lập ở Huế không thiếu, có trường còn tuyển không đủ chỉ tiêu, lại được tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư từ nguồn ngân sách để đạt chuẩn quốc gia nên ngày càng  phát triển mạnh mẽ. Không còn chạy theo trào lưu chọn trường cho có bạn, phụ huynh đã biết tính toán cho con sau hai lần đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng. Những em có học lực tốt sẽ chọn trường “top trên”, sức học vừa thì chọn ở top giữa. Học sinh có học lực hạn chế hơn, phụ huynh cho con học trường nghề khi công tác phân luồng khá tốt.

Bài toán kinh tế về mô hình trường tư thục không phát huy hiệu quả ngay từ khi mới thành lập. Người Huế không mặn mà với hệ thống trường tư nên số học sinh cứ thế mà “teo tóp” dần qua các năm học. Hơn nữa, học phí trường tư thục cao gấp nhiều lần trường công, trong khi “thương hiệu” trường tư lại chưa đủ mạnh là nguyên nhân khiến nhiều trường tư thục “chết yểu”.

Một phụ huynh xin chuyển trường cho con từ tư thục sang công lập kể rằng, anh cảm thấy không hài lòng khi nhiều phụ huynh can thiệp quá sâu vào chương trình học tập, rèn luyện của các em. Phụ huynh có quyền đòi hỏi để xứng với “đồng tiền, bát gạo” mà họ bỏ ra nhưng vô tình mất đi truyền thống tôn sư trọng đạo ở một vùng đất có truyền thống hiếu học như Huế. Thế nên, không ít người quan niệm chỉ có “cậu ấm, cô chiêu”, con nhà khá giả, học không tốt, ham chơi, gia đình bất trị nên mới cho con vào trường tư thục.

Theo TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, sở luôn bình đẳng trong việc tạo cơ hội tuyển sinh cho cả trường tư, lẫn trường công. Thế nhưng, trường PTTH ngoài công lập vẫn gặp khó khăn, “hụt hơi” về tuyển sinh so với trường công lậpvà đứng trước nhiều nguy cơ đóng trường. Nguyên nhân chính là tâm lý phụ huynh vẫn muốn con em học trường công hơn, mặt khác là điều kiện kinh tế gia đình không đủ trang trải cho việc học trường tư.

Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm, đừng xem trường tư thục là nơi chỉ đón “đầu rớt” từ các trường THPT công lập mà phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cách quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục. Và để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của các trường không thể thiếu sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước.

Huế Thu