Nơi bong tróc, nơi nham nhở

Đường Ngô Quyền, đoạn giao nhau từ đường Lê Lai đến đường Phan Bội Châu không được lát đá, lá cây rơi dày đặc che lấp vỉa hè, có đoạn chất lên thành đống đi kèm với nhiều rác thải. Gần đó, tuyến vỉa hè trên đường Phan Bội Châu, đoạn chạy dọc bên hông Trường THPT chuyên Quốc Học cũng tình cảnh tương tự, lớp bê tông bong tróc,  nhiều chỗ trơ nền đất.

Vỉa hè đường Ngô Quyền, đoạn phía trước Trường tiểu học Vĩnh Ninh đất, đá nham nhở

Đường Nguyễn Công Trứ là một trong những trục đường chính của thành phố, “cửa ngõ” dẫn vào khu phố Tây Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu cũng hư hại nặng. Vỉa hè ở đây lổm chổm. Du khách khi đi bộ qua đoạn đường này buộc phải đi bộ xuống lòng đường để tránh những chỗ hư hỏng nhưng phải đối mặt với sự mất an toàn giao thông.

Vỉa hè đường Bà Triệu, đoạn từ cầu Vĩ Dạ đến sân vận động Tự Do cũng không hơn những tuyến đường nói trên khi gạch bị bong tróc, hư hỏng trầm trọng ở nhiều vị trí. Chưa kể, vỉa hè ở những đoạn đường này còn được người dân tự ý chỉnh sửa, nâng lên, hạ xuống, lát gạch hay tráng bê tông... tùy theo ý thích.

“Thử nhìn vỉa hè mà nhếch nhác, lá cây chất đống ai dám đi vào trong đó. Không còn cách nào khác buộc người đi bộ phải tràn xuống làn đường, vẫn biết nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác”, một người dân đi ngang đoạn đường Ngô Quyền phía trước Trường tiểu học Vĩnh Ninh đặt vấn đề cần phải đầu tư vỉa hè.

Cần có kế hoạch chi tiết và đồng bộ

KTS Huỳnh Quang, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế tổng hợp nhận định: Vỉa hè là một bộ phận của cơ thể đô thị, một phần của đường phố, có chức năng công cộng; còn là không gian dành cho người đi bộ, cây xanh đường phố, chiếu sáng đô thị…Trong thực tế cuộc sống hiện nay, vỉa hè cũng là nơi sinh hoạt đô thị gắn liền với lợi ích kinh tế của cộng đồng. Vì vậy, cần được quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đồng thời để phân loại tính chất, tạo sắc thái cho từng tuyến phố và bộ mặt sinh động cho vỉa hè, nhất là đối với các thành phố đặc trưng về văn hóa – du lịch – di sản  như Huế.

Theo ông Quang, những năm gần đây TP. Huế có nhiều nỗ lực trong công tác chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, vẫn còn những điều day dứt về diện mạo cảnh quan đô thị mà trước hết là vỉa hè của nhiều tuyến phố vẫn còn tình trạng cỏ mọc, nham nhở, không có lề đường, thiếu ánh sáng, cây xanh… Chỉnh trang đô thị nói chung và vỉa hè nói riêng cần phải có quy hoạch chi tiết; trên cơ sở đó phải được xây dựng đồng bộ và đồng thời từ phần ngầm đến bề mặt để tránh tình trạng bên này hoàn thiện bên kia đào bới...

“Theo tôi việc cần làm ngay để góp phần chỉnh trang đô thị là phải có thiết kế đô thị cho từng tuyến phố. Trên cơ sở thiết kế, cần tập trung đầu tư đồng bộ và dứt điểm. Muốn vậy, cần phải có sự chọn lựa từ đơn vị thiết kế, thi công, quản lý giám sát có đủ năng lực, trách nhiệm và tận tâm để thực hiện công việc. Trước mắt những tuyến phố, vỉa hè còn nham nhở ảnh hưởng cần phải tập trung thi công và hoàn thiện dứt điểm, tránh tình trạng thi công kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân, gây lãng phí cho xã hội”, ông Quang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho biết, hiện nay với kinh phí đầu tư hạn chế thành phố đang tập trung ưu tiên chỉnh trang đồng bộ các tuyến đường trung tâm như Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ, Lê Lợi, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Bến Nghé, Lê Quý Đôn, Đội Cung, Hùng Vương và đã lập kế hoạch triển khai các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Ngô Quyền, Nguyễn Tri Phương… Riêng các tuyến đường khác, thành phố đã chỉ đạo Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị (MT&ĐT) Huế thực hiện công tác sửa chữa các hư hỏng đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Theo ông Bằng, từ năm 2008, UBND TP. Huế đã ban hành Đề án kế hoạch về xây dựng vỉa hè do Nhà nước và Nhân dân cùng làm, mục đích là huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia xây dựng đường phố ngày càng khang trang, sạch đẹp văn minh, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng; trách nhiệm của Nhà nước là đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, thời gian qua một số người dân tự ý chỉnh trang vỉa hè không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Phòng đã yêu cầu UBND các phường phối hợp với Công ty MT&ĐT Huế để được hướng dẫn, xây dựng vỉa hè cho người dân đảm bảo các yêu cầu nêu trên, tránh lãng phí nguồn lực của Nhân dân.

Phối hợp để tránh phải đào bới nhiều lần

Theo Phòng Quản lý đô thị, thời gian quan do ảnh hưởng của việc thi công Dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế (DA) đã dẫn tới tình trạng một số tuyến đường đã thi công xong thoát nước nhưng chưa hoàn trả mặt bằng.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương của tỉnh về ngầm hóa hạ tầng điện, viễn thông trên địa bàn, các đơn vị đang phối hợp với DA để thực hiện ngầm hóa đồng bộ, tránh phải đào đường quá nhiều. Quá trình thực hiện phòng đã tham mưu UBND TP. Huế cấp phép đào đường, vỉa hè và các đơn vị hạ tầng phải hợp đồng hoàn trả với các đơn vị được thành phố giao quản lý vỉa hè lòng đường đảm bảo chất lượng.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH