Gần đây, nhiều vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng liên tục xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung.
Ngành đường sắt đã tăng cường kiểm tra, sửa chữa, đảm bảo tiêu chí kỹ thuật cho hạ tầng đường sắt
Hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu
Số liệu từ Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên cho thấy, trong chiều dài 176km đường sắt qua địa bàn mà đơn vị này quản lý còn 24km ray P38 tiếp nhận từ đường ray cũ năm 1976; 35,4 km tà vẹt sắt được tiếp quản từ thời giải phóng và sử dụng cho đến nay.
Hạ tầng kỹ thuật lạc hậu là một trong những nguyên nhân nảy sinh những bất cập, gây mất ATGTĐS. “Ray cũ P38 có nhược điểm thường gãy đột xuất, đe dọa sự an toàn. Tà vẹt sắt cũng dễ bị nứt vỡ gây mất an toàn, nên chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra để xử lý”, ông Trần Kiêm Thuận, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý Đường sắt Bình Trị Thiên thông tin.
Đường ngang cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Tuyến đường sắt qua địa bàn hiện có 125 đường ngang hợp pháp; trong đó, có 42 đường có người gác và 38 đường có lắp thiết bị cảnh báo tự động; 44 đường có phương tiện phòng vệ như biển báo tàu hỏa, chú ý dừng lại... Tuy nhiên, đường ngang dân sinh (đường bất hợp pháp) lại “nở rộ” với 144 đường. Trong đó, có 69 đường là lối đi công cộng; 75 đường là lối đi vào nhà các hộ dân.
Cái khó nhất hiện nay trong việc đảm bảo an toàn tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ với đường sắt là khoảng cách để các phương tiện đường bộ quan sát, dừng lại khi có tàu đến.
Một trong những bất cập là có rất nhiều vị trí đường ngang trên tuyến đường sắt và đường bộ chạy sát nhau, nên khi các phương tiện đường bộ dừng lại để chờ tàu qua chiếm hết lòng đường bộ, gây mất ATGT đường bộ.
Một số vị trí đường ngang tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng không phát huy tác dụng. Đơn cử như đường ngang dân sinh tại Km 698+050 (tổ 5, phường Thủy Châu, TX. Hương Thủy), dù được đầu tư các trụ đèn tín hiệu, tấm đệm sắt và đường gom dài 500m nhưng đến nay bị bỏ hoang. Để đảm bảo an toàn, ngành đường sắt đã rào chắn, không cho ô tô lưu thông qua khu vực này.
Theo Chi cục Quản lý đường bộ 2.6, nguyên nhân do đường ngang này khẩu độ, cự ly giữa đường bộ và đường sắt rất ngắn, có độ dốc và khuất tầm nhìn nên các phương tiện lưu thông qua khu vực này sẽ gặp nguy hiểm khi “đối diện” với QL1A.
Ông Nguyễn Văn Thuận, một người dân trong khu vực nói: Nhu cầu đi lại của bà con qua đường ngang này rất lớn, hàng ngày phải đối mặt với nhiều nguy hiểm vì không có rào chắn, cảnh báo; trong khi trụ đèn tín hiệu lại không hoạt động...
Chủ động khắc phục
Ông Trần Kiêm Thuận cho rằng, hạ tầng kỹ thuật cũ kỹ là thực trạng chung của đường sắt phía Nam. Chủ trương chung của đơn vị sẽ đầu tư dần để thay thế tà vẹt sắt và thay bằng ray mới P50 trong khu vực đường chính và đường sắt qua ga. “Trong điều kiện chung nguồn lực khó khăn như hiện nay, phía công ty cũng thông qua các dự án đầu tư; lập kế hoạch đầu tư, đề xuất Cục Đường sắt (Bộ GTVT) tiến hành thay thế dần các thiết bị kỹ thuật cũ”, ông Thuận khẳng định.
Để đảm bảo an toàn trong vận hành, Công ty CP Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên tăng cường công tác kiểm tra, hàng tháng lãnh đạo công ty, phòng nghiệp vụ và các đơn vị đều tổ chức áp máy kiểm tra trạng thái cầu đường; kịp thời thông báo các điểm nguy cơ mất an toàn để các đơn vị tổ chức sửa chữa. Lãnh đạo công ty cũng tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra sửa chữa tồn tại sau nghiệm thu, phúc tra và tổ chức kiểm tra đột xuất ban đêm sau 22 giờ đối với tuần đường, gác chắn đường ngang, nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động chạy tàu.
Đối với các đường ngang dân sinh, công ty phối hợp với chính quyền địa phương, rào hạn chế khẩu độ không cho phương tiện ô tô đi qua và bố trí biển báo chú ý tàu hỏa; đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Dự kiến trong năm nay, công ty sẽ đầu tư thêm 6 đường ngang lắp cần chắn tự động. Trong đó, có 4 đường trên địa bàn xã Lộc Thủy và Lộc An (huyện Phú Lộc). Đây là những đường ngang hợp pháp nhưng chưa được đầu tư, dẫn đến tình trạng mất ATGTĐS và có nhiều vụ tai nạn đã xảy ra.
Tháng 4 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên, Sở GTVT tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh, chính quyền các địa phương nơi có đường sắt ngang qua và các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra thực trạng tại các đường ngang trên địa bàn. Qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, đoàn đã thống nhất những hạn chế cần khắc phục; trong đó, cần tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương giải tỏa các công trình, cây cối làm hạn chế tầm nhìn đường ngang, kể cả lối đi tự mở; đồng thời, tiếp tục sửa chữa, gia cố những đường ngang xuống cấp và bổ sung biển báo, đèn tín hiệu đúng quy định.
Ông Trần Bá Trung, Thường trực Ban ATGT tỉnh nhận xét, công tác đảm bảo ATGTĐS qua địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến đáng kể; từ việc khắc phục những hạn chế yếu kém về hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp hệ thống đường ngang đến việc tổ chức cảnh giới, đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn... Tuy nhiên, để hạn chế tai nạn GTĐS, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của người tham gia giao thông, cần thận trọng, quan sát kỹ trước lúc băng qua đường ngang; đồng thời, những người thực thi công vụ cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, tránh sơ xuất, để xảy ra những sự cố đáng tiếc như thời gian qua.
Sát hạch nghiệp vụ hàng tháng cho nhân viên
Ông Lương Văn Thích, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Thừa Thiên Huế cho rằng hiện nay, tình trạng cắt xén trình tự tác nghiệp, sai sót trong ghi chép sổ sách, chưa tập trung trong công tác, gửi tàu của cán bộ, công nhân viên vẫn còn xảy ra. Thiết bị phục vụ chạy tàu và con người tham gia làm công tác chạy tàu là hai yếu tố cơ bản, trực tiếp liên quan đến công tác đảm bảo ATGTĐS. Do vậy, phải thường xuyên kiểm tra thiết bị chạy tàu hàng ngày, kiểm tra khi đón, gửi, dồn tàu cũng như kiểm tra thiết bị định kỳ, đảm bảo đạt tiêu chuẩn được xem là yếu tố hàng đầu. Thứ đến, phải thường xuyên theo dõi nắm bắt tâm lý, tư tưởng, sức khỏe, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỹ luật cho cán bộ nhân viên; hàng tháng phải sát hạch nghiệp vụ có chấm điểm, nhằm nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, nhân viên trong đảm bảo an toàn chạy tàu.
Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2020, nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc- Nam. Giai đoạn từ năm 2020-2030 triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai. Tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350km/h. |
Bài, ảnh: Hà Nguyên