Tạo hình vua Tự Đức trong vở tuồng “Nỗi niềm đấng quân vương”

Tuồng là một trong những di sản văn hoá nghệ thuật của dân tộc Việt Nam. Dưới triều đại nhà Nguyễn, loại hình nghệ thuật này đạt đến đỉnh cao và trở thành "quốc kịch". Tuy nhiên, sau khi triều Nguyễn “hoàn thành sứ mệnh lịch sử”, nghệ thuật tuồng cũng mất dần chỗ đứng trong xã hội đương đại. Đến nay, ngoại trừ những thế hệ đi trước đến với sân khấu tuồng như cách để hoài niệm tuổi thơ, quá khứ, thì hầu như đối tượng khán giả là người trẻ không mấy ai quan tâm bởi họ rất ít hiểu và ít cảm thụ được loại hình diễn xướng truyền thống này.

Nỗ lực bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, gìn giữ tinh hoa vốn cổ của ông cha, nhiều năm qua, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến nghệ thuật tuồng Huế. Nhiều vở tuồng và trích đoạn tuồng đã được phục dựng và biểu diễn, như: Sơn Hậu, Nguyệt Cô hóa cáo, Ngọn lửa hồng sơn, Quần phương tập khánh… Trong số đó, nhiều trích đoạn đã được xây dựng thành sản phẩm nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách tham quan tại nhà hát Duyệt Thị Đường và tại các điểm tham quan thuộc khu di sản Huế. Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đồng thời thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến tuồng Huế. Nhiều công trình sau đó đã trở thành “sách giáo khoa” cho các hoạt động đào tạo tại chỗ và biểu diễn tuồng Huế ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (trực thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế).

Tạo hình nhân vật trong vở tuồng “Nghêu, sò, ốc, hến”

Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về tuồng Huế trong những năm gần đây, nhưng tất cả đang lưu trữ một cách rời rạc. Trong điều kiện số lượng nghệ nhân tuồng Huế ngày càng giảm theo thời gian, yêu cầu về một cơ sở dữ liệu cho loại hình nghệ thuật này là vô cùng cần thiết. Nếu không làm kịp thời thì nguy cơ mất mát sẽ rất lớn. Với mục tiêu đó, công trình xây dựng cơ sở dữ liệu tuồng Huế có nhiệm vụ lưu trữ và hệ thống lại toàn bộ những nguồn tài liệu hiện có, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu bổ sung những “khoảng trống” còn thiếu.

Theo bà Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu, Nghệ thuật (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế), những khoảng trống về tuồng Huế hiện còn thiếu chính là những nghiên cứu chuyên sâu hơn về những nội dung đã được “tìm hiểu ban đầu”, về ngôn ngữ, vũ đạo, phục trang, mặt nạ, kịch bản…, nhất là kịch bản. “Hiện tại, kịch bản cổ của tuồng Huế đang được lưu trữ rải rác khắp cả nước, ở các bảo tàng cũng như các gia đình. Biết vậy nhưng chúng tôi cũng chưa có điều kiện đi hết các vùng miền để sưu tập. Hơn nữa, một số gia đình còn giữ thì chưa chắc họ đã hợp tác. Một khi họ không muốn bán thì họ cũng sẽ không cho mình sao chép lại. Thời gian 2 năm giới hạn để thực hiện đề tài là một áp lực không nhỏ, bởi chỉ riêng việc thu thập tài liệu, dịch thuật cũng đã chiếm thời gian rồi. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự hợp tác của những đơn vị, nghệ nhân đang nắm giữ, bảo quản những nguồn tư liệu quý giá của tuồng Huế”, bà Mai Phương nói. 

“Việc bảo tồn và khôi phục tuồng Huế theo nguyên mẫu như ngày xưa là chuyện không phải dễ. Song với nhận thức nghệ thuật tuồng Huế là một bộ phận của văn hóa Huế, là di sản văn hóa qúy giá của Việt Nam, vấn đề khôi phục và bảo tồn tuồng Huế cần phải tiếp tục được quan tâm. Những gì liên quan đến tuồng Huế mà nơi khác còn giữ được thì chúng ta phải nghiên cứu và tiếp thu lại. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta chưa có điều kiện phục hồi những vở tuồng cổ nổi tiếng một thời trên đất Huế. Song phải cần đặt ra việc sưu tập, phiên âm những bản tuồng Nôm cổ đang lưu lạc khắp trong và ngoài nước để tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc và phát huy để bộ môn nghệ thuật truyền thống nổi tiếng của Kinh đô Huế đến với khán giả trong và ngoài nước”.

(Tác giả Nguyễn Thế, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế)

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN