Từ chết của chú cá voi ở Thái Lan

Mỗi năm, hàng trăm loài động vật biển bao gồm cá voi, cá heo và rùa biển ở vùng biển Thái Lan bị chết vì nuốt phải rác thải nhựa. Tuy nhiên, các nhà sinh học cho biết, phần lớn những cái chết này không được công chúng biết đến. Tuần trước, một con cá voi hoa tiêu ở nước này đã trở thành nạn nhân mới nhất sau khi được tìm thấy hầu như không còn sự sống do nuốt phải hơn 80 túi nhựa nặng đến 8 kg. Cái chết của chú cá voi vài ngày sau đó thu hút sự chú ý của người dân trong nước và ở khắp nơi trên thế giới, gióng lên hồi chuông nhắc nhở sinh động về một vấn nạn toàn cầu: Rác thải nhựa trong đại dương và biển cả.

Một bãi biển đầy rác thải nhựa khó phân huỷ. Ảnh: Youtube

Theo NYTimes, mối lo ngại nhựa gây ô nhiễm các đại dương và thành phố đã được đề cập rất nhiều lần trong quá khứ, nhưng có vẻ như không được mấy lưu tâm. Dường như ai cũng có quá nhiều việc để làm. Ai sẽ chú ý đến việc quăng một cái túi nhựa hay túi giấy? Đại dương rộng lớn - một túi nhựa nhỏ xíu có là gì? Thật không may, đây chính là thái độ của rất nhiều người, từ đó tạo thành một vấn đề lớn. Không có cách nào biết được đến nay, đã có bao nhiêu sinh vật trong đại dương phải trải qua cùng một nỗi đau như chú cá voi nói trên.

Nghiêm trọng

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances năm 2017, trong số khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới kể từ những năm 1950, khoảng 6,3 tỷ tấn đã bị vứt bỏ. Nếu vẫn tiếp tục xu hướng sản xuất và quản lý như hiện nay, khoảng 12 tỷ tấn chất thải nhựa sẽ được đổ vào bãi chôn lấp hoặc môi trường tự nhiên vào năm 2050.

Một nghiên cứu khác cho thấy, 6 quốc gia sản xuất “chất thải nhựa kém chất lượng nhất” trong năm 2010 là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc đứng đầu danh sách, tiếp theo là Indonesia, Philippines, Việt Nam, Sri Lanka và Thái Lan. Ông Jenna Jambeck, tác giả chính của nghiên cứu, ước tính mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới.

Ô nhiễm do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề đáng lưu tâm trên khắp Đông Nam Á trong những tháng gần đây. Đầu tiên, hòn đảo Bali ở Indonesia tuyên bố "tình trạng khẩn cấp do rác" vào cuối năm ngoái sau khi rác thải trôi dạt đầy trên các bãi biển ở vùng này, trong đó phần lớn là rác thải nhựa. Hay như đã đề cập, tại Thái Lan, hơn 300 con rùa biển và từ 100-150 cá heo và cá voi bị mắc kẹt trên các bãi biển địa phương mỗi năm sau khi nuốt phải rác thải nhựa, một chuyên gia thủy sản tại Đại học Kasetsart ở Bangkok cho biết.

Trước thực trạng đó, nếu các chính phủ, xã hội và bản thân chúng ta không hành động, liệu sẽ còn thêm bao nhiêu sinh vật biển phải chết vì chất thải nhựa trên các đại dương?

Giải pháp

Theo kết quả nghiên cứu, nhu cầu đóng gói là nguồn tiêu thụ nhựa chủ yếu trên toàn cầu, trong đó bao bì chiếm đến 54% lượng nhựa không bị loại bỏ trong năm 2015.

Do đó, để góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa rất khó phân huỷ, chúng ta có thể bắt đầu từ chính bản thân mình bằng cách nói không với túi và chai nhựa. Chúng ta có thể tránh các mặt hàng được đóng gói trong bao bì nhựa. Ngược lại, việc tái chế là một cách để giảm chất thải nhựa. Cửa hàng và siêu thị có thể khuyến khích khách hàng mang theo túi của mình hoặc tính thêm tiền cho việc sử dụng túi nilon vì thực tế, nhiều người trong chúng ta có xu hướng thoải mái nhận những thứ miễn phí.

Ở cấp độ chính sách, chính phủ các nước cần tăng tốc thảo luận việc đánh thuế các túi đựng bằng nhựa. Đây được cho là một trong những chiến lược đúng đắn để cắt giảm lượng tiêu thụ nhựa và ô nhiễm do rác thải nhựa.

Philippines, giống như các nước láng giềng trong khu vực, đã không áp đặt lệnh cấm trên toàn quốc đối với túi nilon, nhưng chính quyền một số địa phương đã điều chỉnh việc sử dụng chúng. Một số trung tâm mua sắm cũng đã thay túi nhựa bằng túi giấy và khuyến khích sử dụng lại túi.

Tại Malaysia, Bộ trưởng Nhà ở và Chính quyền địa phương Zuraida Kamaruddin cho biết muốn áp dụng lệnh cấm túi nilon trên toàn quốc về trong vòng 1 năm. Trong khi đó ở Indonesia, chính quyền kêu gọi cắt giảm sử dụng túi và chai nhựa trong các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp, và cấm nhựa ở các điểm du lịch. Một khoản thuế đối với túi nilon cũng được đề cập, cùng với mục tiêu tái chế tới 60% nhựa vào năm 2021.

Theo bà Anchalee Pipattanawattanakul, nhà hoạt động vì đại dương cho tổ chức Hòa Bình Xanh ở Thái Lan, các nhóm vận động đã kêu gọi áp dụng một loại thuế thay thế cho các công ty sản xuất túi nhựa, cũng như minh bạch hơn về lượng chất thải nhựa thực sự được tạo ra ở Thái Lan. Bà cũng cho rằng, khu vực Đông Nam Á cần một chiến lược phối hợp về chất thải nhựa.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp và lược dịch từ ANN, Nationmultimedia & Reuters)