Sáng kiến tập hợp các nhà đầu tư tổ chức lớn từ G7. Ảnh: Wikimedia

Với vai trò Chủ tịch Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) trong năm nay, Canada có cơ hội đảm bảo lợi ích tăng trưởng không chỉ cho người dân Canada, mà còn cả những người có nhu cầu trên khắp thế giới.

Sau cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Phát triển, Thống đốc các Ngân hàng Trung ương G7 diễn ra hồi tuần trước ở thị trấn Whistler, British Columbia, Canada, các nhà đầu tư tổ chức lớn của Canada, dẫn đầu là Caisse de dépôt et placement du Québec (CDPQ) và tổ chức kế hoạch lương hưu giáo viên Ontario (OTPP), cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Canada, ông Bill Morneau và Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada, bà Catherine McKenna ngày 7/6 đưa ra sáng kiến lãnh đạo về ​​phát triển quốc tế.

Theo đó, sáng kiến này ​sẽ tập hợp các nhà đầu tư tổ chức lớn từ khắp các quốc gia thành viên của G7, nhằm giúp giải quyết một số thách thức lớn gây hạn chế cho sự tăng trưởng, sáng kiến này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Những thách thức trên được liệt kê gồm sự thiếu hụt của nữ giới trong các vị trí lãnh đạo; khoảng cách cơ sở hạ tầng toàn cầu dai dẳng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi; và những mối đe dọa đối với sự tăng trưởng do biến đổi khí hậu gây ra.

Được biết, Đại sứ Canada tại Liên Hiệp quốc (LHQ), ông Marc-André Blanchard đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sáng kiến ​​này.

Bằng cách phối hợp với Chính phủ Canada, nhóm các nhà đầu tư tổ chức hàng đầu thế giới, do CDPQ và OTPP dẫn đầu, sẽ hợp tác để thúc đẩy sự đa dạng về giới trong thị trường vốn, xây dựng một chương trình học bổng cơ sở hạ tầng để giúp phát triển chuyên môn ở những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, cũng như thực hiện các bước để nhận biết và báo cáo tốt hơn về những rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)