Thảo luận ở tổ, đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, Việt Nam xuất phát điểm là đất nước nông nghiệp nên chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, luật cần có một vài điều chỉnh.
Về khái niệm, đại biểu cho rằng phần “vận chuyển” chưa đưa vào, điều kiện vận chuyển đối với chăn nuôi như thế nào để sau khi xuất khẩu hay chuyển đến các lò mổ an toàn, chất lượng. Vận chuyển chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng môi trường nên chăng, trong các điều khoản cần có điều khoản liên quan đến việc vận chuyển vật nuôi để đảm bảo môi trường.
Liên quan đến việc quản lý thức ăn chăn nuôi ở phần 1, điều 34, không sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm. Theo đại biểu, điều này cần điều chỉnh bởi kháng sinh không phải là chất kích thích tăng trưởng, không phải là chất tạo nạc. “Trước đây chất sabutabol là chất tạo nạc nhưng đó không phải là kháng sinh. Do vậy, nên dùng từ "chất kích thích tăng trưởng" hay "chất kích thích tạo nạc" vì kháng sinh dùng để điều trị và dự phòng các bệnh lý trên động vật”- đại biểu băn khoăn.
Mục 2 điều 34 có 2 điểm theo đại biểu Phạm Như Hiệp cần phải điều chỉnh, đó là kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh và phòng bệnh. Cần làm rõ khái niệm trị bệnh và phòng bệnh là khi nào, như thế nào cho phù hợp vì liên quan đến bảo vệ môi trường và các vấn đề khác…
Điều 38, điều kiện cơ sở chăn nuôi, ở phần 3 liên quan đến chăn nuôi nông hộ đáp ứng những điều kiện: chuồng nuôi tách biệt với nhà ở, thường xuyên tiêu độc, khử trùng môi trường chuồng trại chăn nuôi. Ở đây, đại biểu đề nghị có một quy định cụ thể, nếu không thì cơ sở chăn nuôi sẽ rất gần với khu dân cư, cơ quan, bệnh viện…
Đa số đại biểu cho rằng cần quản lý thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Lê Thọ
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội - Phan Xuân Dũng - cho biết: Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành các nội dung nêu trong Tờ trình số 80/TTr-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa yêu cầu về: Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền.
Việc sử dụng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để trị bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi phải tuân theo quy định của pháp luật về thú y. Tồn dư kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm chăn nuôi vượt ngưỡng cho phép sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, do đó, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với các nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh quy định tại Điều 34 của dự thảo luật.
Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, giải trình cơ sở khoa học của quy định chỉ sử dụng tối đa hai loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi; đồng thời chỉnh sửa các quy định về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh cho rõ ràng, khả thi hơn.
Về quản lý hoạt động chăn nuôi, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, các quy định về hoạt động chăn nuôi trong dự thảo luật cần tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến và hạn chế dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Để đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn, hạn chế tác động của dịch bệnh thì việc quản lý điều kiện cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm giống vật nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng (Điều 38 và Điều 39) cho phù hợp hơn với từng đối tượng vật nuôi, quy mô vật nuôi, mật độ chăn nuôi và địa điểm chăn nuôi.
Đối với quy định về việc đăng ký, kê khai chăn nuôi, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính và cần quy định phù hợp với từng loại hình, đối tượng chăn nuôi, số lượng vật nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ ở khu vực vùng sâu, vùng xa và đối tượng nuôi di động; quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi đăng ký, kê khai chăn nuôi tại Điều 52 và Điều 53 dự thảo luật....
Ủy ban KH,CN&MT cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến nêu trên và rà soát, cân nhắc các quy định tại Mục 2 “Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi” để quản lý hoạt động chăn nuôi đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tế, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính.
Thái Sơn- Hoàng Linh (ghi)