Tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang diễn ra tại Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán thương mại trong vòng 2 tuần tới liên quan đến quyết định của Mỹ áp mức thuế mới đối với mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu từ các đối tác.
Logo hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018. |
Rạng sáng nay (9/6) theo giờ Việt Nam, lãnh đạo các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã họp phiên thảo luận bàn tròn tại Quebec, Canada, dưới sự chủ trì của Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau.
Dù chủ đề chính của hội nghị năm nay bao gồm tăng cường đầu tư cũng như tạo việc làm để thúc đẩy tăng trưởng và bình đẳng giới, song căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh đã được dự báo sẽ phủ bóng lên cả 2 ngày họp.
Các cuộc gặp bên lề giữa các nhà lãnh đạo G7 đã được tiến hành nhằm giảm bớt sự căng thẳng trong cuộc gặp thượng đỉnh. Trong đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Sau cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ đã bày tỏ thái độ “dễ chịu” và cho biết người đồng cấp Pháp Macron đã giúp giải quyết các vấn đề thương mại:
“Mỹ đã có một thâm hụt thương mại rất lớn trong nhiều năm với Liên minh châu Âu, và chúng tôi đang cố gắng giải quyết nó. Tổng thống Pháp đã có vai trò lớn trong vấn đề này. Và một điều gì đó sẽ xảy ra. Tôi nghĩ nó sẽ rất tích cực.”
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, các bên sẽ cùng nhau làm việc để tìm kiếm sự tiến bộ, có lợi nhất cho người dân các nước:
“Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận trực tiếp và cởi mở. Tôi nghĩ tất cả các bên đã sẵn sàng để tìm một thỏa thuận và có cách tiếp cận có lợi cho người của chúng tôi, nhân viên của chúng tôi, các tầng lớp trung lưu của chúng tôi”.
Theo một quan chức Pháp, các nhà lãnh đạo EU và Mỹ đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa các bên trong vòng 2 tuần tới. Theo giới chuyên gia, việc các bên nhất trí đối thoại trở lại trong tương lai sẽ giúp các bên có cơ hội giải quyết bất đồng, song hé lộ một thực tế rằng, tại hội nghị thượng đỉnh trong 2 ngày này, các bên khó sẽ có thể có được đột phá.
Dự kiến, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ đưa ra một đề xuất giải quyết các căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ thông qua cơ chế “đánh giá và đối thoại chung” tại hội nghị thượng đỉnh. Dù không có thêm thông tin chi tiết, song đề xuất này dường như đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo G7 khác.
Mỹ muốn Nga trở lại
Hiện các nước thành viên còn lại của G7 đều khẳng định sẽ thể hiện lập trường kiên quyết với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các phiên thảo luận, dù sẽ không quá căng thẳng do e ngại có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại lớn. Nước chủ nhà Canada cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo bày tỏ sự bất bình của mình một cách lịch thiệp và chân thành.
Một vấn đề khác cũng nổi lên tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay là việc Mỹ đã kêu gọi chấm dứt việc loại Nga ra khỏi nhóm này, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Moscow tại các hội nghị thượng đỉnh G7. Tuy nhiên, cả Nga và EU đều bác bỏ lời kêu gọi này. Trong khi EU cho rằng, đây chưa phải là thời điểm phù hợp, thì Nga lại khẳng định đang tập trung vào những khuôn khổ hợp tác và đối thoại khác.
G7 gồm nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay là Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp, Italy, Canada cùng đối tác Liên minh châu Âu (EU). Dự kiến, kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ kí kết một tuyên bố chung nêu rõ lập trường và sáng kiến chính sách đã được nhất trí. Tuy nhiên, Pháp và Đức hiện cảnh báo sẽ không kí văn bản này nếu Mỹ không nhượng bộ.
Thủ tướng Đức Merkel cho rằng hiện tại là quá sớm để khẳng định hội nghị thượng đỉnh G7 có ra được tuyên bố chung hay không, do các nhà lãnh đạo của nhóm vẫn chưa đề cập đến thương mại và môi trường - hai vấn đề nghị sự nhạy cảm nhất hiện nay.
Theo VOV