Chiều hôm ấy, trong lúc đang cùng Sơn, Hai, Tấn, Nam đi chơi, Khang nhận điện thoại của vợ thông tin có Huy đến nhà hỏi tìm.

Khang biết Huy tìm mình để đòi nợ, vì trước đó Khang nợ của chị N. 2 triệu đồng. Huy là bạn chị N., đã nhiều lần tìm gặp Khang để đòi món tiền này. Khang gọi điện cho chị N., thì chị này đưa điện thoại cho Huy nghe. Trong câu chuyện qua điện thoại, Khang và Huy cãi cọ, thách thức gặp nhau để đánh nhau. Khang rủ Sơn, Hai, Tấn, Nam cùng giúp sức. Cả nhóm đồng ý, đồng thời mang theo hung khí là 3 cây dao tự chế.

Phần Huy, khi đến địa điểm hẹn cũng có 2 “chiến hữu” trợ giúp là Tuấn và Bình. Nhóm Huy cũng mang theo hung khí gồm dao, đá. Gặp nhau, 2 nhóm xông vào dùng hung khí ẩu đả. Khi nhóm Khang bỏ chạy thì nhóm Huy cũng ra về. Lần ẩu đả này, Tuấn (nhóm Huy) bị Hai (nhóm Khang) chém làm rách da mu bàn tay chảy máu.

Sự việc không dừng lại khi Huy điện thoại cho Khang “giao hẹn” sẽ về đánh nhau tại nhà của Khang. Không vừa, Khang thách thức Huy, đồng thời rủ thêm Minh, Bảo, Pháp về nhà Khang để giúp sức. Nhóm Khang đến một địa điểm dọc đường “bổ sung” thêm hung khí cất giấu sẵn từ trước, ngồi chờ vẫn không thấy nhóm Huy đến. Khang gọi điện thoại thách thức Huy.

Huy bèn hẹn Khang đến địa điểm khác đánh nhau. Khang nhận lời, dẫn cả nhóm (tổng cộng 8 người) đến điểm hẹn. Lúc này, nhóm Huy “bổ sung” thêm 2 “chiến hữu”, tổng cộng 5 người. Trong lúc 2 nhóm hỗn chiến, Hai phóng cây dao tự chế trúng vào người Huy. Huy được đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng hôm sau thì tử vong.

Tám bị cáo Khang, Hai, Tấn, Minh, Bảo, Pháp, Sơn, Nam bị truy tố về tội “giết người”

Cách hành xử mang tính chất côn đồ của các bị cáo là điều mà tòa nhiều lần nghiêm khắc phân tích trong quá trình xét xử. Nợ khoản tiền không lớn, dây dưa không chịu trả, Khang lại còn thách thức đánh nhau với người đòi nợ. 7 bị cáo trong nhóm Khang, không hề mâu thuẫn, thù oán gì với người bị hại, nhưng sẵn sàng “giúp” Khang bằng hành vi vi phạm pháp luật, gây hậu quả hết sức nghiêm trọng, tước đoạt mạng sống của nạn nhân, đồng thời gây rối loạn, bất an cho cộng đồng. Vậy nên, các bị cáo mới bị truy tố về tội “giết người” theo quy định tại điểm n (có tính chất côn đồ) khoản 1 Điều 93 BLHS, có khung hình phạt cao nhất đến tử hình.

Một tình tiết khác được hội đồng xét xử nhiều lần cảnh báo về tính chất nguy hiểm, đáng lên án, đó là việc các bị cáo cất giấu sẵn hung khí ở nhiều địa điểm, bất cứ khi nào cần là có thể đến lấy, sử dụng gây án, gây nguy hiểm cho xã hội. Trong lúc đó, cả 8 bị cáo đều còn rất trẻ. Pháp 20 tuổi; Bảo 21 tuổi; Khang, Hai, Nam, Tấn, Minh đều 22 tuổi và Sơn 24 tuổi. Ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đáng lẽ để phấn đấu làm những điều có ích thì ngược lại, do thiếu rèn luyện, lêu lổng nên các bị cáo trượt dài vào hư hỏng, thách thức đánh nhau, phạm tội, là gánh nặng của gia đình và xã hội. 7/8 bị cáo đều không nghề nghiệp. 6 bị cáo, người “gánh” tiền án về tội trộm cắp, kẻ mang tiền sự về hành vi cố ý gây thương tích, hoặc nhân thân xấu, bị phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng… Đáng tiếc nhất, có bị cáo đã có thời gian được rèn luyện trong quân ngũ qua thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, giải ngũ về địa phương, không có tiền án, tiền sự gì, nhưng a dua theo cái xấu, phút chốc rơi vào tù tội với mức án nghiêm khắc. Khang, Hai, mỗi bị cáo “lãnh” 16 năm tù. Năm bị phạt 14 năm tù; Minh 13 năm tù;  Tấn 12 năm tù; Sơn 11 năm 6 tháng tù. Pháp và Bảo mỗi bị cáo bị phạt 11 năm tù.

Sau khi 8 bị cáo bị bắt tạm giam, cha mẹ các bị cáo đã phải thay con bồi thường tổng cộng 75 triệu đồng (trong đó 10 triệu đồng tiền viện phí và 65 triệu đồng mai táng phí) cho gia đình người bị hại. Bản thân các bị cáo đã “chôn” tuổi trẻ và tự do quý giá trong tù, lại còn làm liên lụy đến cha mẹ, người thân, khiến họ hao tổn tiền bạc, tinh thần đau đớn kéo dài không biết đến bao giờ mới dứt. Và,  giá như người bị hại biết kiềm chế hơn trong cư xử, thì có thể đã không mất đi cuộc sống, khiến cha mẹ phải đau đớn suốt đời.

Duy Trí