Cô bạn hàng xóm hay hát bài này mỗi lần cùng tôi đi hái khế chua. Đó là một bài hát mang âm hưởng dân ca miền Nam mượn hình ảnh cây khế để nói về thân phận của người phụ nữ. Đứa bạn phân trần mỗi khi nghe tôi kêu: hát bài chi mà buồn: “Chắc tại đời chị tau giống trong bài hát nên mới nghe đài phát vài lần là tau nhập tâm luôn”! Rồi nó lý luận: “Ngẫm lại đời khế chua buồn thiệt! Có ai ưng thứ cây ni, chẳng qua là mọc hoang, hay người ta để làm hàng rào rứa thôi. Trái bán chẳng ai mua, lại còn bị than phiền vì cảnh ruồi nhặng, nhớp nháp khi chín rụng”.

Ấy vậy mà khế chua đem lại cho chúng tôi những niềm vui nhỏ nhỏ vào mùa mưa lũ. Nơi tôi ở là là xứ nhà vườn nên khế chua mọc hoang đầy đường. Hầu như lũ trẻ chúng tôi điểm mặt và nhớ đặc điểm, mùi vị từng gốc khế. Khế đường xóm chợ trái nhỏ, cạnh mập, thích hợp với chấm mắm cơm, mắm rò. Khế gần nhà mụ Tuyết trái thuôn dài, chua lét, nấu canh rất ngon. Khế nhà ông Duy ít chua hơn (nghe đồn ông hay tưới vôi vô gốc), có thể chấm ruốc hoặc chấm muối ớt những lúc lũ chúng tôi buồn miệng…
 
Mùa lũ xưa, lúc nước ngập những con đường thấp trũng, không ra chợ được, ở nhà có đồ dự trữ chi thì ăn nấy. Để có món canh, không gì nhanh và tiện bằng canh khế chua! Vậy là mấy đứa choai choai trốn nhà vừa đi chơi lụt, vừa đi hái khế. Không cần sào, chỉ cần với tay cầm một cành rung nhẹ hoặc rút dép dưới chân ném lên cây, thế nào cũng có vài trái rụng. Đem về nhà biết là sẽ bị nạt cho một trận vì tội liều nhưng có hề chi. Một nhúm tép khô nấu với khế hoặc chỉ khế nêm với ruốc đậm đậm, đổ ra tô, xắt thêm nắm hành ngò dậy mùi thơm. Tới bữa ăn, cả nhà xì sụp húp chén canh nóng sốt, vừa ấm giậm, vừa thanh tao, đứa mô đứa nấy sướng cái bụng coi như đã “lập được công”.
 
Nhà nào mẹ khéo tay, khéo tính thì mâm cơm ngày lũ có thêm món thay đổi khẩu vị như cá cơm khô kho với khế chua; ruốc chấm khế nhành, tép tươi xào khế… Ngoài trời mưa cứ mưa, lạnh cứ lạnh, trong nhà cơm nóng ăn với mấy món kích thích vị giác lạ mà ngon, cơm trong nồi hết veo mà còn ngó nghiêng, tiếc rẻ.
 
Riêng chúng tôi có món tự chế lạ lùng hơn nhiều, đó là khế ép chưng xì dầu. Khế chua bỏ từng trái trong túi ni lông, ép vào bản lề cửa cho ra bớt nước rồi cắt nhỏ, cho xì dầu, đường, ớt vào kho rim đến khi khế thấm, xì dầu dẻo, đặc thì đem ra ăn với cơm. Món này có thể ăn chơi với vị chua chua, ngòn ngọt hợp với tuổi ô mai nên chúng tôi thường làm chung rồi chia mỗi đứa một ít như một thứ đặc sản chỉ có trong mùa mưa bão.
 
Người ta nói ăn ngon cũng tùy cảnh. Khi đói, mầm đá cũng ngon tựa như trong câu chuyện của Trạng Quỳnh năm nào. Thứ đơn giản, rẻ tiền nhưng sao cứ khiến người ta nhớ hoài món khế chua nhất là những ngày mưa bão ngấp nghé khiến lòng người âu lo. Phải chăng nó đã neo lại trong miền ký ức với những kỷ niệm đẹp?!
A.Túc