Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên ngày 12/6/2018 tại Singapore. Ảnh: CNN

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Singapore ngày 12/6 là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của lãnh đạo hai nước, được xem là sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Giới phân tích kỳ vọng cuộc họp sẽ đạt thành công, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un có khả năng sẽ đưa ra cam kết về việc phi hạt nhân hoá hoàn toàn.

“Nhu cầu cấp bách nhất của lãnh đạo Triều Tiên là giảm bớt mối đe dọa về một cuộc tấn công quân sự của Mỹ và ít nhất có thể được dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này”, nhà nghiên cứu cấp cao Denney Roy nhận định trong bài phỏng vấn của The Nation. Đồng thời ông cũng cho rằng, hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ cũng là cơ hội quan trọng để nhà lãnh đạo Triều Tiên đảm bảo an toàn cho quốc gia và được tôn trọng thông qua bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Là một chuyên gia về các vấn đề của Hàn Quốc, ông Roy cho biết, hội nghị thượng đỉnh có thể được gọi là thành công nếu đưa ra được bất kỳ cam kết nào về vấn đề phi hạt nhân hoá, mặc dù có khả năng quá trình thương lượng tiếp theo sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chìa khóa cho sự thành công của hội nghị cũng phụ thuộc vào phong cách ngoại giao và kỹ năng đàm phán của hai nhà lãnh đạo. 

Các nhà phân tích cũng kỳ vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể dẫn tới nỗ lực thúc đẩy một hiệp ước hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tác động đến khu vực

Sở dĩ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thu hút sự quan tâm của cả thế giới vì sự thành công hay thất bại của nó không chỉ tác động đến bản thân 2 nước Mỹ - Triều Tiên mà còn có ý nghĩa đối với các nước khác trong khu vực.

Theo bài viết trên ANN ngày 11/6, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là những bên liên quan trong vẫn đề hòa bình và an ninh ở bán đảo Triều Tiên. Tất cả các nước này đều có những mối quan tâm khác nhau trong hội nghị lần này, vì rất có khả năng, “một kết quả tốt cho Mỹ có thể không tốt cho Nhật Bản, kết quả tốt cho Trung Quốc lại có thể không tốt cho Mỹ…”, ông Roy cho biết.

Trong khi đó, ông Viboonpong Poonprasit, chuyên gia khoa học chính trị của Đại học Thammasat nhận định rằng, khu vực Đông Nam Á, nơi hội nghị diễn ra, cũng sẽ được hưởng lợi từ cuộc họp lịch sử này. “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không tuân theo các giao thức bình thường. Với nhiều kỳ vọng cuộc họp sẽ có kết quả tích cực, hoặc ít nhất cũng ở mức trung lập, điều này giúp đảm bảo sự ổn định hơn trong các khu vực có liên quan”, ông nói, với lập luận rằng, “trong bối cảnh Tổng thống Trump tìm kiếm sự phi hạt nhân hóa của Bắc Triều Tiên, và nhà lãnh đạo Kim Jong-Un muốn Mỹ rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên cũng như giảm các biện pháp trừng phạt cho quốc gia này thì những nỗ lực của họ ít nhất cũng phải duy trì trong một bầu không khí yên bình”.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ ANN, Reuters & Straitstimes)