Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với mọi người dân luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các tổ chức đoàn thể quan tâm và coi đây là biện pháp bền vững, lâu dài trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Ngày Pháp luật là dịp để các địa phương mở các đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật sâu rộng đến với người dân; là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng, nhằm cổ vũ, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân, công dân tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật; nâng cao ý thức bảo vệ pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật.

Thật ra, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâu nay vẫn được diễn ra thường xuyên. Song, do nhiều điều kiện khách quan, chủ quan trong phát triển, hội nhập mà tình trạng vi phạm pháp luật vẫn diễn ra phức tạp. Đó là nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí; nạn trộm cắp, giết người, cướp của, hiếp dâm, xâm hại tình dục; nạn buôn bán người, buôn ma túy và sử dụng ma túy; nạn trốn thuế, nợ thuế; nạn vi phạm trật tự an toàn giao thông... đang diễn ra nhiều nơi. Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra hơn 350 vụ phạm tội về trật tự xã hội. Nhiều mâu thuẫn rất đơn giản, nhưng do thiếu hiểu biết về pháp luật đã dẫn đến thương tích, thậm chí cả tính mạng, đưa nhau vào vòng lao lý... Vụ việc giết người xảy ra đêm 21-10 vừa qua tại quán cà phê Hoàng Phố đường Nguyễn Huệ (TP Huế) là một ví dụ. Chỉ vì tranh cãi chuyện làm hỏng xe của khách hàng hôm trước mà Nguyễn Thắng đã dùng dao đâm chết anh Hoàng Như Thạch. Nếu 2 bên hiểu biết pháp luật, phân tích đúng sai để rút kinh nghiệm lần sau thì sự cố đáng tiếc đã không xảy ra…
 
Sự vi phạm pháp luật đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, an ninh quốc gia, cũng như vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm, ma túy trong tình hình mới và Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Công an và công an các tỉnh đã chủ động triển khai các kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm và đạt được những kết quả khích lệ. Nhiều vụ tham ô, tham nhũng lớn được phanh phui. Nạn “đầu gấu”, cướp giật ở các thành phố lớn được trấn áp, đẩy lùi.
 
Ngày Pháp luật còn là dịp để những người thực thi pháp luật nhìn lại mình. Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị ngồi tù oan suốt 10 năm qua là bài học xương máu cho những người “cầm cân nẩy mực”. Cho nên, cùng với việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân thì cần làm tốt vấn đề điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm. Xử đúng người, đúng tội; không xảy ra oan sai sẽ góp phần tạo niềm tin để mọi công dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
Đặng Thành