Ngày 13/6, các xã Phong Hiền, Phong An cho biết, đang tiến hành khảo sát diện tích sen bị chết bất thường trên địa bàn và báo cáo cơ quan chức năng lấy mẫu nước kiểm tra nguyên nhân khiến sen chết hàng loạt.

Thời gian qua, mô hình sen-cá không mới nhưng đã giải được bài toán chuyển đổi đất canh tác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhiều diện tích lúa, ao hồ kém hiệu quả đã được các địa phương chuyển đổi sang mô hình sen - cá mang lại thu nhập khá cao. Tuy nhiên, vụ sen năm nay, người trồng nguy cơ trắng tay bởi sen chết bất thường trên diện rộng.

Nhiều diện tích sen bị "chết trắng" ở xã Phong Hiền, thiệt hại lớn cho người trồng

Tại xã Phong Hiền, đa số diện tích mô hình sen- cá trên địa bàn 7 thôn ở địa phương này đều chết trong sự bất lực của người trồng. Theo thống kê của UBND xã Phong Hiền, từ đầu vụ sen đến nay, trải qua nhiều đợt, địa phương này đã có 60 trên tổng số 100 ha sen của khoảng 200 hộ dân chết với các triệu chứng thối dần từ lá qua thân rồi đổ rục.

Ông Trần Đức Thiện, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “Những vụ trước sen đều được mùa, mang lại giá trị kinh tế khá cao. Nhiều diện tích đất kém hiệu quả cũng được địa phương chuyển đổi qua mô hình trồng sen. Riêng vụ sen năm nay, không biết nguyên nhân từ nguồn nước hay mầm bệnh vi rút ủ trong hồ mà sen chết trên diện rộng, bất thường, chưa tìm được nguyên nhân”.

Cũng theo ông Trần Đức Thiện, vụ sen năm 2017, khi xuất hiện hiện tượng sen chết rải rác, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phong Điền đã cử cán bộ về lấy mẫu nước kiểm tra nhưng không tìm được nguyên nhân. Sen chết nhưng số cá nuôi xen ghép với sen trong hồ vẫn bình thường nên đến nay, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân từ đâu.

Những người trồng sen cho biết, những diện tích sen chết thường có thể do bị úng nước, môi trường nước thay đổi do mưa hoặc người trồng bơm nước từ hồ này sang hồ khác khiến mầm bệnh đi theo nguồn nước lây nhiễm trên diện rộng. “Bình quân mỗi 1ha sen người trồng đầu tư hơn 10 triệu tiền giống, chưa tính công cán chăm sóc từ khi xuống giống đến thu hoạch. Mỗi ha nếu được mùa, người trồng lãi khoảng 50 triệu đồng, hiệu quả hơn trồng lúa. Hiện, đã có mấy chục hộ bị thiệt hại và tình trạng sen chết chưa dừng lại nên vụ  mùa năm nay, người trồng sẽ thua lỗ”, bà Nguyễn Thị Lễ, một hộ trồng sen thôn An Lỗ (Phong Hiền) cho biết.

Việc "bơm chuyền" nước từ các hồ sen liên kề gây nguy cơ dịch bệnh lan trên diện rộng

Theo thống kê chưa đầy đủ tại xã Phong An, có hơn 2 ha trên tổng số 41 ha sen bị chết. “Triệu chứng” các diện tích sen bị chết đều như các địa phương khác với việc thối lá, cành và đài sen rồi chết rụi. Việc người dân bơm nước vào những hồ sen liền kề khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phong An thông tin, tình trạng sen chết rải rác ở các hồ mới chỉ diễn ra trong hơn một tuần trở lại đây. Hiện, xã đã cử cán bộ nông nghiệp đi kiểm tra, thống kê diện tích thiệt hại cụ thể và sẽ có báo cáo lên Phòng NN&PTNT huyện và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh để yêu cầu lấy mẫu nước, bệnh phẩm xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Bài, ảnh: Hà Nguyên