Tổng mức đầu tư của 2 dự án trên là 10,42 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là 5.039 tỷ đồng, phần vốn còn lại từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng bún Vân Cù có tổng kinh phí 5,628 tỷ đồng sau một thời gian thi công, đến nay đã hoàn thành các hạng mục gồm các tuyến mương B300 có nắp đậy bằng bê tông cốt thép với tổng chiều dài 3,1km. Các hạng mục đang triển khai thực hiện gồm các hầm biogas, hồ sinh học và tuyến mương B200 dẫn từ nhà đấu nối vào hệ thống mương chung đã hoàn thành khoảng 30% khối lượng, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành. 

Đối với dự án hệ thống xử lý nước thải làng bún Ô Sa giai đoạn I với tổng kinh phí 4,792 tỷ đồng sau khoảng 1 năm thi công đã hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn bộ phần mương dài 1.469m, 16 bể xử lý nước thải, hố ga. Các hạng mục đang triển khai và dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2014 gồm xây dựng 16 hầm biogas hiện đtạ khoảng 20% khối lượng và toàn bộ phần xây dựng hồ sinh học xử lý nước thải chung cuối xóm và các tuyến ống buy D40 nối từ các hồ sinh học xử lý nước thải chung đến đường ngang dân sinh. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, mặc dù phần vốn của Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường bố trí cho 2 dự án này đã giải ngân 100%, nhưng tiến độ thực hiện 2 dự án vẫn còn chậm là do khó khăn trong huy động nguồn vốn trong dân. Đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác đã huy động và giải ngân được khoảng 1 tỷ đồng. 

Dự kiến các hạng mục được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn khác sẽ hoàn thành vào tháng 6-2014. UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nên có hướng dẫn cụ thể về tỷ lệ hỗ trợ từ phía Trung ương và các nguồn vốn đối ứng khác. Về nhu cầu hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước năm 2014, 2015, UBND tỉnh đề xuất Chương trình bố trí kinh phí thực hiện 4 dự án, trong đó năm 2014 có 1 dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề tinh bột sắn Lộc An (Phú Lộc) và năm 2015 có 3 dự án: hỗ trợ chuyển đổi nghề và chấm dứt hoạt động sản xuất vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc); xây dựng hệ thống xử lý nước thải và công nghệ xử lý khí thải làng nghề đúc đồng Phường Đúc- Thủy Xuân (T.P Huế) và dự án hoàn trả mặt bằng, hỗ trợ chuyển đổi nghề, chấm dứt sản xuất gạch ngói tại Hương Vinh- Hương Toàn (Hương Trà). Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai thực hiện dự án hệ thống xử lý làng nghề nước mắm xã Phong Hải (Phong Điền) và dự án thu gom xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn khu vực cụm xã Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phước và thị trấn Sịa (Quảng Điền). 

Trao đổi tại buổi làm việc, phía đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường  đánh giá cao công tác triển khai thực hiện các dự án theo Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường của địa phương. Phía đoàn cũng đề nghị tỉnh xử lý kịp thời, đúng mục tiêu nguồn vốn Trung ương cấp để đảm bảo đúng yêu cầu cấp bách như mục tiêu của Chương trình; đồng thời nên quan tâm đến cơ chế vận hành sau đầu tư để đảm bảo chất lượng công trình và hiệu quả lâu dài của dự án. Ngoài ra, Đoàn cũng thông tin chính thức 5 dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch đưa vào Chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, gồm: làng nghề đúc đồng Phường Đúc- Thủy Xuân (T.P Huế), làng nghề vôi hàu Lăng Cô (Phú Lộc), làng nghề tinh bột sắn Lộc An (Phú Lộc) và 2 dự án làng bún Vân Cù, Ô Sa đang triển khai. 

Đối với đề xuất hỗ trợ kinh phí giải quyết triệt để ô nhiễm tại làng nghề sản xuất gạch ngói tại Hương Vinh- Hương Toàn (Hương Trà) theo Quyết định 64 thì đến nay phía Bộ chưa có thông tin gì về dự án của làng nghề này nên không đưa vào kế hoạch khắc phục giai đoạn 2012-2015. Đối với các dự án tỉnh đề xuất hỗ trợ kinh phí, phía Đoàn cũng đề nghị tỉnh nên lập và gửi hồ sơ các dự án cho Bộ để có kế hoạch đưa vào Chương trình thực hiện.

Hoài Thương