Người khiếm thính học làm hoa giấy tại cơ sở hoa giấy nghệ thuật Lavin
Rào cản
Trong không gian yên bình của quán cà phê Khoảng Lặng, số 87 Ông Ích Khiêm (TP. Huế), bạn Đào Thị Trà My, 23 tuổi miệt mài làm công đoạn gắn cánh hoa lên cành. Gặp chúng tôi em nở nụ cười và đưa tay làm ký hiệu. Qua tấm giấy xinh xắn, chúng tôi mới biết Trà My bị điếc bẩm sinh.
“Vì bị điếc nên từ nhỏ, em ít giao tiếp với mọi người. Gần đây, em vào làm hương ở một xưởng nhỏ, công việc vất vả với mức lương khoảng 300.000 đồng/tháng. Điều em buồn là ít có cơ hội giao tiếp và luôn tự ti khi đứng trước đám đông”, Trà My viết lên giấy.
Cũng như My, Nguyễn Thị Hà Thanh thiệt thòi từ nhỏ do bị điếc bẩm sinh. Em được gia đình đưa vào học ở lớp chuyên biệt tại Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế). Thanh học giỏi và đặc biệt vẽ, thêu rất đẹp. Ước muốn của em là học lên đại học nhưng giấc mơ ấy chỉ dừng lại ở lớp 3 vì sau lớp này không có giáo viên đứng lớp dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Thực tế, những người điếc gặp khó khăn khi muốn hòa nhập vào cộng đồng do thiếu ngôn ngữ giao tiếp. Họ tiếp xúc, giao tiếp qua ánh mắt, không có âm thanh nên cảm nhận về thế giới bên ngoài hạn chế. Khi chưa biết chữ, họ trao đổi với người bình thường bằng ngôn ngữ ký hiệu, nhưng không phải ai cũng biết và người điếc nào cũng học ngôn ngữ này. Vì vậy, người điếc và cộng đồng có một khoảng cách nhất định.
Từ sự ngại giao tiếp và tự ti dẫn đến việc người điếc gặp khó khăn trong học tập và công việc. Họ cần một môi trường giáo dục riêng với những người thầy hiểu tâm lý, biết ngôn ngữ ký hiệu cùng sự kiên nhẫn. Tìm việc làm đối với người điếc vô cùng khó khăn khi không phài chủ doanh nghiệp nào cũng hiểu ngôn ngữ ký hiệu và chấp nhận họ.
Cần hỗ trợ
Nhiều người điếc luôn ý thức hoàn cảnh của mình và đều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy điều kiện gia đình không quá khó khăn nhưng Hà Thanh vẫn muốn tự lập. Cô hiện đang làm thêm tại xưởng may thêu trên đường Hàm Nghi (TP. Huế) với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng. Thanh còn là Chủ tịch câu lạc bộ (CLB) người điếc Huế và giúp đỡ nhiều bạn cùng cảnh ngộ. Cô rất tích cực trong việc liên hệ với cộng đồng người điếc ở Việt Nam để cập nhật và phổ biến công ước Quốc tế về quyền người khuyết tật cho các bạn ở Huế. Cô tự học ngôn ngữ ký hiệu rồi dạy lại cho các bạn trong CLB và thường tham gia học hỏi các kỹ năng để nâng cao trình độ.
Trà My lại may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của Lê Thị Thanh Nhàn, 25 tuổi, cô chủ nhỏ của hoa giấy nghệ thuật Lavin. Mỗi tháng, em nhận được khoản tiền lương từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng. Vui hơn, My được giao tiếp với mọi người, không còn tự ti như trước.
Sự giúp đỡ cho người điếc ở Huế đang được lan tỏa với những việc làm nhỏ như dạy ngôn ngữ tiếng Anh của Enjoyable English do cô Hồ Thị Mỹ Linh phụ trách; hay hỗ trợ kỹ năng, ngôn ngữ ký hiệu của các CLB người điếc trên đất nước Việt Nam.
Người điếc ở Huế vẫn gặp phải những khó khăn nhất định trong cuộc sống. CLB người điếc Huế được thành lập năm 2014 với số lượng thành viên 50 người. Những hoạt động của CLB như dạy ngôn ngữ ký hiệu, tiếng Anh, chia sẻ và hỗ trợ nhau về công việc cũng như cuộc sống giúp người điếc tự tin hơn trong cộng đồng. Thế nhưng con số thành viên của CLB hiện nay chỉ còn 10 thành viên.
Bạn Hà Thanh trầm tư khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân của sự giảm sút đó. “Gia cảnh của các thành viên đa phần đều khó khăn trong khi công việc vất vả và tiền lương ít ỏi. Các thành viên đến với CLB trên tinh thần tự nguyện… tuy nhiên ngôn ngữ giao tiếp là một trong những rào cản khiến họ khó tìm sự hỗ trợ của cộng đồng. “Do chưa có sự kết nối với các tổ chức nên việc hỗ trợ về kỹ năng không thực hiện được. Vì vậy, những buổi sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng của CLB người điếc Huế tuy vẫn được tiến hành nhưng thiếu phương pháp khi chưa tạo được sự hứng thú trong các thành viên. Nếu tan rã CLB, người điếc lại phải “tự bơi” giữa cộng đồng và nỗ lực hòa nhập lại gặp gian nan” - Thanh bộc bạch.
Ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho hay: Chưa có thống kê cụ thể về người điếc ở Thừa Thiên Huế vì đây là một cộng đồng khá đặc thù. Hội luôn chú ý hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho các em câm điếc nhưng số người điếc được hỗ trợ phụ thuộc vào các nhà tài trợ nên số lượng chưa được nhiều.
Bài, ảnh: Thành Nhân