Hướng đến nền nông nghiệp sạch

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) được hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Thủy Biều

Thời gian qua, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển ngành NNCNC. Mới đây, UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hướng đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Với mục tiêu tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời chú trọng công tác kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 18 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, hoa có áp dụng một số biện pháp công nghệ cao như: tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, lắp máy điều hòa nhiệt độ, hệ thống điện chiếu sáng kích thích ra hoa, công nghệ thủy canh… diện tích khoảng 14.000m2. Có thể kể tên như: mô hình trồng hoa Lan Đại hồ điệp quy mô 1.000m2 với hệ thống tưới phun sương của Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong; mô hình trồng rau an toàn các loại quy mô khoảng 500m2 với hệ thống tưới phun sương của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy…  Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu hướng hội nhập trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán không đơn giản, bởi đầu tư cho NNCNC đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, độ rủi ro cao khiến nhiều DN còn e ngại. Để giải bài toán này không chỉ trông chờ vào vai trò của Nhà nước với những chính sách mang tính định hướng, gợi mở mà còn cần có sự chung tay của toàn xã hội cũng như sự “dấn thân” từ các DN.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Trong 3 giờ đối thoại, gần 40 câu hỏi được Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành trao đổi thẳng thắn. Trong đó, vấn đề được quan tâm xoay quanh cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất NNCNC; chính sách hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản; xây dựng quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm nông sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi đối thoại trực tuyến

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thông tin, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 chú trọng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vì thế, những năm gần đây tỉnh tập trung kêu gọi các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao. Chỉ tính riêng năm 2017-2018, tỉnh đã trích ngân sách hơn 12 tỷ đồng để hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện mô hình sản xuất NNCNC. Cụ thể, dự án đầu tư cơ sở sản xuất NNCNC có quy mô từ 500m2 trở lên (đối với trồng trọt);­ 2.000m2 (đối với nuôi trồng thủy sản) được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà bạt; lắp đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, sục khí, xử lý nước cấp, nước thải...; ngoài ra còn hỗ trợ đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước đến hàng rào dự án.

Ông Trần Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Trong xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản, tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ. Ví như, hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện các dự án áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản nông sản, đặc sản; áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương gắn với phát triển thương hiệu các đặc sản Huế...

Doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc loại hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, được hỗ trợ 50% chi phí thuê văn phòng làm việc tại các khu làm việc chung của tư nhân trong thời hạn 6 tháng, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng/DN. Giảm 70% chi phí thuê văn phòng làm việc tại các khu làm việc chung của nhà nước trong thời hạn 6 tháng, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng/DN; hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay để thực hiện thương mại hóa các sản phẩm, nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/DN.

Kết thúc buổi đối thoại trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, phát triển NNCNC là xu hướng tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân, DN đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thu hút các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia tìm hiểu và đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.

Bài, ảnh: Hoàng Loan