Thời gian gần đây, do nhiều vấn đề môi trường nảy sinh, nên khái niệm về đô thị sinh thái, bền vững cũng được "nâng tầm" và đòi hỏi khắt khe hơn. Nghĩa là phải đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường cho thế hệ hiện tại và mai sau. Đô thị sinh thái hay đô thị bền vững phải là một thành phố được thiết kế, quy hoạch và xây dựng có tính đến các tác động của môi trường, nơi đó người dân có ý thức để giảm thiểu sử dụng các tài nguyên năng lượng có hạn và các chất thải ra môi trường.

Đô thị sinh thái khi ý thức, hành vi và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao

TP. Huế đang xây dựng thành phố xanh, thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường. Mặc dù chưa hình thành một đô thị như kiểu mẫu, nhưng chính quyền địa phương và người dân đang bắt tay từ những việc nhỏ nhất, thiết thực nhất để đem đến hiệu quả tốt nhất. Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi thành phố; xây dựng các thiết chế giao thông; mật độ cây xanh tăng trưởng với thiết kế hợp lý; cơ sở hạ tầng về cấp thoát nước, xử lý nước thải được đầu tư xây dựng; hình thành những tuyến phố đi bộ, vừa giảm tiêu hao nhiên liệu và khí thải ra môi trường... là những khởi đầu để hiện thực hóa mục tiêu này.

Lợi thế của Thừa Thiên Huế là trong nhiều năm qua đã nhận được sự viện trợ hoàn lại hoặc không hoàn lại của nhiều tổ chức, dự án trong, ngoài nước về hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng, trang thiết bị liên quan đến vấn đề môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, có những dự án lồng ghép nhiều hoạt động như: tái chế rác thải đô thị, giải pháp hạn chế rác trên sông Hương và các tuyến đường thủy; phân loại rác tại nguồn và hỗ trợ thùng, hướng dẫn cách phân loại và xử lý, tái chế, tái sử dụng rác; trồng cây ngập mặn, ngập ngọt, rừng chắn cát...

Tuy vậy, thách thức của việc phát triển đô thị sinh thái, thân thiện môi trường của địa phương cũng như nhiều nơi khác là về kinh phí, quỹ đất và sự tham gia của cộng đồng, mọi đối tượng trong xã hội còn hạn chế do nhận thức và hành vi chưa thay đổi tích cực vì chưa hoặc không nhìn thấy ngay lợi ích.

Ở những nước đã xây dựng đô thị theo tiêu chuẩn bền vững với môi trường, rác thải được tái chế làm nhiên liệu sưởi ấm; các toà nhà lắp các tấm pin mặt trời; nước mưa được thu gom, xử lý và tận dụng cung cấp trở lại để cung cấp hệ thống các nhà vệ sinh, tưới vườn hoa, công viên, giúp giảm khai thác nước ngầm... Quan điểm của những thành phố sinh thái này là mọi thứ phải được tận dụng tối đa nhằm tiết kiệm tài nguyên và tránh ô nhiễm môi trường. Khu đô thị sinh thái phải tạo ra một dấu ấn sinh thái bé nhất có thể và tránh gây ô nhiễm thấp nhất có thể.

Có xuất phát điểm thấp, nên để cải tạo và xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị sinh thái đòi hỏi đầu tư kinh phí lớn và cần thời gian khá dài. Yếu thế của địa phương là đi lên từ đô thị nông nghiệp, nhưng điều này có thể trở thành lợi thế để giải quyết những vấn đề bất cập của đô thị như về rác thải, nước thải, không gian xanh... nếu biết sử dụng quỹ đất xanh, đất nông nghiệp, không gian mặt nước hiệu quả, hợp lý theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống. Tất nhiên để làm được điều này nên bắt đầu từ những đô thị quy mô nhỏ, có sự chủ động và tham gia của chính quyền và ý thức thay đổi lối sống mới của người dân.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên