Nhớ ngày trước, thời tôi ôn thi đại học cách nay mấy chục năm, do chuyện tàu xe đi lại khó khăn nên với những ai phải thi xa, như ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, đây đã là lúc chuẩn bị lên đường.
Mấy năm nay, việc thi cử thay đổi, không còn cảnh khăn gói đi xa đầy gian truân, vậy nên sĩ tử có thể tranh thủ kiếm thêm dăm ba ngày ôn thi nữa. Cũng khó khăn lắm, nhất là vào thời điểm này, thời tiết Huế oi bức với những trận gió Lào khô rát, bụi bẩn bay tứ tung, gây nên cảm giác vô cùng khó chịu. Còn bắt đầu từ tối qua, World Cup 2018 đã chính thức khai mạc với 1 tháng “ăn ngủ cùng trái bóng”. Nửa đêm oang oang tiếng hò reo tứ phía khiến bao sĩ tử bực mình bởi không thể ngủ yên, mà mất ngủ thì phiền toái vô cùng.
Việc cần làm lúc này là nên xác định còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến kỳ thi. Nó không dễ ợt như suy nghĩ của nhiều người. Bởi, xác định thời gian không đơn giản chỉ là xác định ngày thi không mà còn là việc phải đánh giá xem đã học được các kiến thức ở mức nào, các môn có đều không, thấy thiếu hoặc chưa chắc phần nào thì phải học bổ sung và luyện tập ngay lập tức. Việc phân chia thời gian là cách giúp bạn thoát ra khỏi tình trạng bối rối và từ đó, lên kế hoạch cụ thể sẽ làm gì trong ngày, tuyệt đối tránh tình trạng quá lo lắng theo kiểu “đi ra rồi lại đi vào”, cuối cùng cả ngày chẳng học được thêm điều chi.
Sau khi dứt khoát phải có kế hoạch ôn tập “nước rút”, thí sinh cần làm tốt các công việc. Ví như, nhờ người thân nhắc nhở mình dậy học đúng giờ. Nên dán kế hoạch học tập ở nơi dễ nhìn nhất và mình thường có mặt nhất. Từng buổi học, ít nhất là 2 môn, theo kiểu đan xen nhau, không nên dồn lực hết trọn buổi cho một môn. Biết tự kiểm tra lại mình sau mỗi bài, mỗi chương. Những môn có bài tập thực hành, phải có lượng thời gian tự làm bài tập. Không nên tự ý cắt xén phần ôn tập theo quy định và cũng không tự an ủi mình rồi dễ dàng bỏ qua, bỏ sót. Phải chú ý các lý thuyết, các kiến thức kinh điển, không có lý thuyết không thể giải bài tập.
Còn nữa, đừng bỏ sót những buổi học cuối cùng trên lớp. Các thí sinh nên ghi chú cẩn thận các lời khuyên, lời dặn và nhớ đọc lại và thực hiện các điều ấy. Mạnh dạn làm bài trên lớp để đánh giá đúng thực lực của mình. Ngoài ra, cần chú ý ăn uống điều độ, sao cho đủ chất bổ. Không nên dùng các chất kích thích, các thuốc hỗ trợ thức ngủ. Không giấu dốt, mà nên sẵn sàng hỏi thầy, bạn, anh, chị, ba, mẹ hoặc những người có khả năng và uy tín trong lĩnh vực cần hỏi. Đặc biệt, không được có suy nghĩ sử dụng tài liệu hay cầu cứu người khác khi đi thi; không tin vào các tin đồn lộ đề, bán đề. Phải nắm vững thông tin liên lạc với bạn bè và thầy cô.
Không thể để cái khó chi phối, các thí sinh phải biết cách vượt khó bằng sự tập trung cao độ, tranh thủ những ngày cuối cùng để ôn thi. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, ở giai đoạn “nước rút” này, ngoài kiến thức thì bản lĩnh và ý chí là yếu tố quan trọng quyết định. Những ngày ôn thi cuối cùng này, đôi lúc học sinh cảm thấy chán nản, hoang mang vì không biết mình đã ôn luyện đủ hay chưa. 12 năm cắp sách đến trường giờ quyết định đỗ hay trượt trong mỗi bài thi. Thế nên, học sinh cần bình tĩnh để ôn luyện kiến thức sao cho khoa học, giảm thiểu sai sót.
Đan Duy