Theo WB, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã được củng cố, cùng với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nguồn tăng trưởng chủ yếu dựa vào nhu cầu thế giới đang ở chu kỳ tăng, đầu tư ở khu vực FDI và khu vực tư nhân đang khôi phục, quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn đang diễn ra. WB cho hay, nợ công của Việt Nam đã có dấu hiệu ổn định trở lại từ năm 2017, với tổng bội chi ngân sách ước tính sơ bộ ở mức 4,5% GDP. Tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4% năm 2017 so với 63,6% năm 2016.
WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm nay (so với 6,5% trong lần dự báo cuối năm 2017) trước khi ổn định lại ở mức 6,6% vào năm 2019 và 6,5% vào năm 2020, do sức cầu trên toàn cầu thế giới dự kiến sẽ chững lại. Dự báo lạm phát sẽ ở quanh mức 4%. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát.
Theo các chuyên gia của WB, trước mắt, dù kinh tế Việt Nam được cải thiện nhưng còn nhiều rủi ro. Theo đó, tiến độ tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp Nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm. Việc này có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực Nhà nước. Chưa kể, những yếu tố bên ngoài như chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy, căng thẳng địa chính trị và quá trình thắt chặt tiền tệ diễn ra sớm hơn dự kiến, có thể gây biến động trên thị trường tài chính.
WB cũng khuyến cáo, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục cắt giảm chi phí thương mại, qua việc cải thiện biện pháp phi thuế quan hoặc kiểm tra chuyên ngành, nâng cáo hiệu quả quản lý cửa khẩu, dịch vụ hậu cần.
Theo Tiền phong