Gọi là nhập ngũ thế thôi nhưng thực chất là bước vào một tháng học quân sự tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng- Đại học Huế. Trước khi đi, các anh các chị khóa trên dặn dò đủ kiểu, nửa dọa dẫm, nửa cười xòa “vui lắm”, khiến tôi có cảm giác vừa vui vì sắp được có thêm trải nghiệm mới, vừa âu lo vì không biết có chịu nổi “môi trường quân sự”, nghe nói là rất khắt khe hay không.

Lưu giữ kỷ niệm

Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng- Đại học Huế để gặp gỡ các đồng đội “chiến hữu”, những người sẽ kề vai sát cánh cùng nhau suốt một tháng tới. Các bạn tôi, có người tôi đã quen biết từ trước, cũng có người tôi chỉ mới gặp qua vài lần. Tuy vậy, sau khi vào “biên chế”, nhận phòng và tiến hành dọn dẹp vệ sinh, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi các bạn cùng phòng ai cũng rất siêng năng và hòa thuận.

Kỷ niệm đầu tiên là lần đầu được mặc quân phục. Chúng tôi, mỗi người được nhận 2 bộ quân phục để mặc khi lên lớp. Đứa nào đứa nấy xuýt xoa “trông cũng oai phết nhỉ”, gương mặt rất tự hào.

Bài học thứ nhất mà chúng tôi được học là “xếp nội vụ”, tức là sắp xếp chăn màn sao cho vuông vức gọn gàng. Ở nhà thì đứa nào cũng gấp chăn màn qua quýt, thậm chí không xếp, bị bố mẹ la hoài. Nhưng đến đây thì khác, thầy Tuyền, Đại đội phó đến từng phòng hướng dẫn từng li từng tí cách xếp mùng, mền ra sao, rồi chỉnh sửa như thế nào cho đẹp. Kế đến là các quy tắc, giờ giấc sinh hoạt được thầy Thọ, Đại đội trưởng, phổ biến trong giờ sinh hoạt đầu khóa. Hai thầy quản lý của đại đội tôi rất vui vẻ, hướng dẫn cẩn thận, ân cần và thương sinh viên nên chúng tôi yêu quý và tôn trọng các thầy hết mực.

Về việc học quân sự thì sinh viên cũng thực hiện những chế độ như trong quân ngũ, nhưng các thầy ở Trung tâm đã giảm nhẹ khối lượng thực hành nhằm giúp cho chúng tôi có được sự thoải mái về tinh thần cũng như đảm bảo sức khỏe để học tập, rèn luyện.

Quãng thời gian khó quên với sinh viên

Một tháng học tại đây, chúng tôi nhận về nhiều điều bổ ích, được tìm hiểu về truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được bồi dưỡng chính trị tư tưởng đạo đức lối sống, được trang bị những kiến thức cơ bản về quân sự, như: 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật, học nội quy, 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần, 2 bài thể dục 24 động tác, tìm hiểu các loại súng vũ khí chiến đấu và các chiến thuật quân sự cơ bản trên thao trường…Những giờ học thực sự khó khăn và vất vả nhưng ai cũng thấy vui vì được trải nghiệm cảm giác của người chiến sĩ thực thụ.

Một tháng học để lại rất nhiều kỷ niệm, đặc biệt là những gì đã cùng trải qua với “hội anh em cây khế” cùng phòng. 9 "đồng đội" trong tiểu đội tôi, mỗi người mỗi cá tính, nhưng sống với nhau hòa thuận với tinh thần trách nhiệm cao. Chúng tôi đã cùng trải qua nhiều điều, từ những ngày đầu tiên chưa quen với nhịp sinh hoạt của quân đội, sáng sớm dậy tập thể dục đứa nào cũng ngáp ngắn thở dài, hay phải dậy thật sớm để xếp nội vụ cho đẹp, cho vuông kẻo bị trừ điểm, ảnh hưởng đến thi đua của tiểu đội. Chúng tôi cùng lên lớp, cùng quay clip đàn hát mừng đám cưới chị của một người bạn cùng phòng, cùng chia sẻ trái xoài, gói mì tôm, cùng chơi, cùng nhắc nhau học bài thi, cùng thức đêm xem bóng đá, chăm sóc bạn bị ốm… Có những đêm, chúng tôi không bị phạt nhưng được chứng kiến một số tiểu đội khác bị phạt vì không tuân thủ giờ giấc “quân trường”. Chúng tôi nhìn vào đó, vừa cười vui, vừa nhắc nhau đừng vi phạm. “Một tháng sống chung với 9 người bạn cũng thú vị chớ nhỉ?”. Người bạn nằm chung chiếc giường tầng của tôi đã nói thế.

Các anh chị khóa trên nói với chúng tôi, rằng “kỳ quân sự là kỷ niệm đáng nhớ nhất của đời sinh viên, nên hãy cố gắng tận hưởng nó”. Quả đúng vậy, chỉ trong một tháng ngắn ngủi, bản thân tôi cũng cảm thấy rõ tình bạn, tình đồng đội khăng khít rõ rệt giữa chúng tôi. Để rồi khi kết thúc kỳ học quân sự, đứa nào cũng cảm thấy thiếu thiếu khi không còn được ở chung với những người còn lại nữa.

Tuổi trẻ của mỗi người chỉ đến một lần. Tuổi trẻ của tôi, với những tháng ngày khoác lên mình màu áo xanh, trải nghiệm quân trường, cùng ca hát, vui đùa với các bạn… chắc chắn là kỷ niệm tôi mang theo suốt quãng đường còn lại. 

Bài: HỒ NGÔ ĐĂNG TRÌNH - Ảnh: HỮU PHÚC