Một cuộc diễu hành giới thiệu văn hóa và truyền thống từ các quốc gia thành viên ASEAN tại Indonesia. Ảnh: Asia News Network

Từ “tôi” đến “chúng ta”

Để thực sự trở thành một Cộng đồng ASEAN, phải được tính đến cả hai khía cạnh kinh tế và xã hội của sự hội nhập. Những lập luận và bước tiến hướng tới hội nhập kinh tế được xác định rõ ràng, nhờ sự tham gia của ASEAN vào các thỏa thuận thương mại tự do và tránh sự bảo hộ kinh tế. Trong khi đó, hội nhập xã hội không thể được xây dựng chỉ trong một ngày, bởi quá trình này khá dài và gian nan.

Theo đó, sự gia tăng trong những nhận thức tiêu cực đối với lao động nhập cư do sự quay lưng với toàn cầu hóa là một trong số những vấn đề mà hiệp hội phải đối phó để hướng đến một ASEAN xã hội hơn. Chìa khóa cho nỗ lực này là quay trở lại khái niệm của một nền văn hóa Đông Nam Á có thể phá vỡ các rào cản và tiến tới khái niệm về một nền văn hóa ASEAN chia sẻ.

Một thành phần quan trọng để hội nhập xã hội là vốn xã hội, được nghiên cứu bởi Robert Putnam, một nhà khoa học chính trị nổi tiếng tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard. Mặc dù không có định nghĩa đơn nhất về thuật ngữ này, nghiên cứu của Putnam cung cấp một cơ sở tốt để sau đó xác định chương trình nghị sự về hội nhập xã hội của ASEAN.

Theo ông Putnam, bước đầu tiên là sự hình thành của các mạng lưới kết nối của công dân, sẽ góp phần thúc đẩy những mô hình tương tác lặp lại, dẫn đến sự xuất hiện của “sự tin tưởng xã hội”. Đồng thời, sự thành công của những cam kết trong quá khứ sẽ đóng vai trò như một khuôn mẫu văn hóa cho sự hợp tác trong tương lai.

"Cuối cùng, các mạng lưới tương tác dày đặc có thể mở rộng ý thức về bản thân của người tham gia, phát triển từ "tôi" thành "chúng ta"", nhà khoa học Putnam kết luận.

Trở thành công dân ASEAN

Việc phát triển quan điểm “chúng ta” giữa các công dân ASEAN có thể khó khăn nhưng không quá xa vời. Mấu chốt của việc đạt được một hiệp hội hội nhập về xã hội là sự hình thành của các mạng lưới kết nối công dân, điều quan trọng nhất như ông Putnam chỉ ra.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột chính tạo nên Cộng đồng ASEAN, đặt ra tầm nhìn cho một “ASEAN lấy người dân làm trung tâm”. Đây là điểm khởi đầu tốt để giải quyết nhu cầu cho người dân trong các quốc gia thành viên ASEAN, để họ kết nối tốt hơn với nhau và xây dựng một cộng đồng hướng đến mục đích cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân ASEAN.

“Người dân trong khu vực sẽ chỉ tin tưởng vào ASEAN nếu họ thực sự cảm thấy họ đang được hưởng lợi từ Cộng đồng mà chúng ta xây dựng. Vì vậy, chúng tôi cần chuyển tải hiệu quả hơn cho công dân ASEAN những lợi ích của Cộng đồng ASEAN”, ông Vongthep Arthakaivalvatee, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội cho hay.

Bên cạnh đó, sự tham gia của những người trẻ tuổi sẽ là nền tảng của việc đạt được tầm nhìn đặt ra cho ASCC. Theo một cuộc khảo sát năm 2014, được tiến hành để đánh giá thái độ đối với ASEAN của các sinh viên đại học trong khu vực, hơn 80% tự nhận mình là “công dân ASEAN”. Hơn nữa, đa số người được hỏi đều cảm nhận các thành viên ASEAN có tương đồng về văn hóa, nhưng kinh tế và chính trị khác nhau.

Đã có những bước tiến đúng hướng với rất nhiều sự kết nối ở cấp đại học trên toàn khu vực, như các Hội nghị Mô hình Liên Hiệp Quốc (MUN), một phiên họp giả định các cuộc thảo luận tại Liên Hiệp Quốc, nơi sinh viên tham gia đóng vai trò là các nhà ngoại giao đại diện cho quốc gia để nêu lên quan điểm về những vấn đề toàn cầu trong chương trình nghị sự. Ngoài ra, một ví dụ điển hình là Hội nghị Thượng đỉnh Kết nối Thanh niên ASEAN sẽ được tổ chức tại Philippines trong năm nay. Với sự tham gia của các tổ chức đại diện cho lợi ích của thanh niên và các chuyên gia trẻ tuổi, đây là một điểm khởi đầu tốt cho ASEAN để bắt đầu trong bối cảnh khu vực đặt tầm nhìn vào một Cộng đồng ASEAN chặt chẽ hơn.

Tờ The ASEAN Post nhận định, đủ để nói rằng, thế hệ trẻ trong ASEAN dường như đang đi đúng theo hướng hội nhập xã hội khu vực. Bất kể ranh giới quốc gia, công dân trên toàn khu vực ASEAN chia sẻ quan hệ lịch sử, gắn kết văn hóa của họ với nhau.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The ASEAN Post & AEC News Today)