Kiểm tra mô hình thí điểm nuôi tôm an toàn
Hạ tầng cơ bản đáp ứng
Gần đây, vùng cát ven biển Ngũ Điền gồm các xã Điền Hương, Điền Hòa, Phong Hải… được đầu tư kết cấu hạ tầng nuôi tôm khá bài bản, thay thế cho hệ thống kênh mương, thủy lợi trước đây còn sơ sài, không đảm bảo môi trường trong nuôi tôm khi chất thải trong các ao nuôi sau khi thu hoạch được thải trực tiếp ra môi trường.
“Nuôi tôm chân trắng (NTCT) trên vùng cát ven biển đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Chỉ cần sơ suất nhỏ, hay rủi ro có thể thua lỗ, thiệt hại hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Vì vậy các hộ nuôi đều rất lo lắng khi hệ thống kênh mương xử lý nước thải, môi trường chưa được đầu tư thỏa đáng. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến ô nhiễm môi trường vùng nuôi, tôm thường xảy ra dịch bệnh. Có được hệ thống kết cấu hạ tầng như bây giờ là điều hằng mong mỏi của người dân ngay từ khi “khai sinh” nghề nuôi tôm trên cát ven biển”, ông Võ Kháng ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải trải lòng.
Mô hình NTTC ở Phong Hải
TS.Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản-Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, ngoài các mô hình nuôi tôm an toàn của người dân Ngũ Điền và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay tại xã Phú Thuận (Phú Vang), một số hộ dân áp dụng “Mô hình NTCT bằng công nghệ Philippine-an toàn thực phẩm”, phù hợp với vùng cát ven biển trên địa bàn tỉnh, ít xảy ra dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao. Bình quân mỗi ao nuôi rộng 2.500m2 đạt sản lượng 8-10 tấn, lãi 500 triệu đồng/vụ. Mô hình này cần được triển khai thí điểm, áp dụng và nhân rộng tại nhiều địa phương vùng cát ven biển. |
Theo ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ngoài đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, kênh mương thủy lợi, huyện có chủ trương và yêu cầu ngành nông nghiệp, các địa phương quy hoạch, tổ chức lại vùng nuôi. Ao nuôi phải đảm bảo diện tích, mực nước trong hồ, thả nuôi đúng mật độ. Cứ 3-4 ao nuôi bắt buộc phải có một ao xử lý nước trước khi cấp nước vào ao nuôi, hoặc xả thải ra môi trường sau khi thu hoạch.
Ý thức được việc nuôi tôm trên cát “siêu lãi, song cũng siêu rủi ro”, nên gần đây người dân luôn tuân thủ các quy định của cơ quan chức năng về xử lý vệ sinh môi trường, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh. Nguồn nước ngọt, hay nước biển trước khi đưa vào ao để thả giống đều qua khâu xử lý vệ sinh môi trường. Sau khi thu hoạch tôm, nguồn nước thải ra môi trường bên ngoài cũng được xử lý vệ sinh bằng các loại thuốc, hóa chất đúng quy định.
Hướng đến an toàn thực phẩm
Ông Trần Văn Chín ở thôn Hải Nhuận, xã Phong Hải chia sẻ, các vụ nuôi liên tiếp gần đây, ông cũng như nhiều hộ chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học (CPSH) để phòng ngừa dịch bệnh, tăng đề kháng cho tôm. Bằng việc sử dụng CPSH, không dùng kháng sinh còn giúp tôm nuôi phát triển nhanh, kích cỡ tôm lớn. Ba vụ nuôi liên tiếp gần đây, mỗi ao nuôi 2.500m2-3.000m2 đều đạt sản lượng 10-14 tấn, loại tôm kích cỡ 40-50 con/kg chiếm tỷ lệ cao, thường bán với giá 190-230 ngàn đồng/kg.
Ngoài sử dụng CPSH, người dân còn chọn nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng nhập về từ các công ty có uy tín, thương hiệu trong nước và trên thế giới. Trong quá trình nuôi hoàn toàn sử dụng thức ăn công nghiệp, không cho tôm ăn bất kỳ các loại thực phẩm nào khác, không phù hợp với phương thức NTCT, dễ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước và vùng nuôi.
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin, ngoài các mô hình do người dân tự tìm tòi, năm 2018 đơn vị triển khai mô hình NTCT an toàn thực phẩm tại vùng cát Ngũ Điền để hướng đến nhân rộng trên địa bàn huyện Phong Điền cũng như vùng cát toàn tỉnh. Thông qua mô hình, cán bộ khuyến nông tổ chức cho người dân tham quan, học tập, chia sẻ các quy trình, kỹ thuật trong quá trình xây dựng ao hồ, bể lắng, sử dụng CPSH trong quá trình nuôi, sử dụng nguồn thức ăn chất lượng, hợp lý, mật độ thả giống, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh...
Bài, ảnh: Hoàng Triều