Không chỉ lấn chiếm hành lang đường bộ, người dân còn lấn chiếm cả lòng đường để làm nơi buôn bán, họp chợ như: chợ An Lỗ, chợ Vinh Thanh, chợ Ưu Điềm, chợ Mỹ Chánh... Trên nhiều đoạn tuyến, người dân còn biến đường thành “sân phơi” thóc, lúa, rơm rạ, nông sản, là bãi tập kết nguyên vật liệu xây dựng; thậm chí, có trường hợp cố tình xây dựng trái phép các công trình dân sinh, làm cột điện trên HLATGTĐB.

Xin ông cho cho biết, tình trạng vi phạm HLATGTĐB cũng như khó khăn trong công tác xử lý?

Hàng năm, có khoảng trên 100 trường hợp vi phạm HLATGTĐB. Trong đó, chủ yếu là xây dựng trái phép nhà tạm, lều quán để kinh doanh buôn bán. Việc giải tỏa vi phạm HLATGTĐB trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ gặp nhiều khó khăn, bởi đang tồn tại một vướng mắc do lịch sử để lại như đoạn Quốc lộ 49B đi qua các xã Phú Thuận, Phú Hải... Bên cạnh đó, các tuyến đường sau khi nâng cấp từ đường huyện lên thành đường tỉnh, nhưng quá trình nâng cấp, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng không có; kinh phí đền bù đất HLATGTĐB, hồ sơ về HLATGTĐB cũng không có nên rất khó khăn trong vấn đề xử lý các hành vi vi phạm HLATGTĐB. Thêm vào đó, nhiều trường hợp do HLATGTĐB nằm trên đất thổ cư của người dân đã được cấp GCNQSDĐ từ trước nên khó để xử lý dứt điểm.

Rất nỗ lực trong việc phát hiện và xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, nhưng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Công ty CP Đường bộ 1 lại không thể giải quyết dứt điểm, triệt để các trường hợp lấn chiếm vi phạm. Bởi việc thực hiện xử lý các biên bản vi phạm, chống lấn chiếm, cưỡng chế giải tỏa HLATGTĐB thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Để hạn chế tình trạng lấn chiếm HLATGTĐB, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý nên việc vi phạm HLATGTĐB vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến đường.

Cơ quan chức năng cần có những giải pháp nào nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông từ việc vi phạm lộ giới HLATGTĐB?

Trước mắt cũng như về lâu dài, Công ty CP Đường bộ 1 tăng cường công tác tuần tra, tuần kiểm, phát hiện những trường hợp vi phạm mới phát sinh để ngăn chặn ngay từ đầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng như nghị định về xử phạt đối với hành vi lấn chiếm HLATGTĐB; Các quyết định số 2678/2004/QĐ-UB và số 05/QĐ-UB của UBND tỉnh về việc quy định lộ giới các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân sống trên các tuyến đường này.

Đối với các trường hợp vi phạm sẽ phối hợp với các ban, ngành như: thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, công an, chính quyền địa phương và các đoàn thể vận động tự giác chấp hành tháo dỡ. Nếu như các hộ vi phạm không tự nguyện chấp hành, sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm, sâu sát hơn nữa trong vấn đề bảo vệ HLATGTĐB. Bởi, bảo vệ HLATGTĐB là đảm bảo an toàn giao thông và lâu dài là phát triển hệ thống giao thông đường bộ theo quy hoạch đã xây dựng.

Xin cám ơn ông!

Thanh Hải (thực hiện)