Hướng dẫn người dân cách phân loại và xử lý rác tại nguồn

“Tích tiểu thành đại”

Thay vì trước đây, hằng ngày chị La Thị Chi, ở Vinh Phú (Phú Vang) đổ chung cả phế phẩm như rau, cơm, cá… vào luôn sọt rác, sau khi có những hộ chăn nuôi cần đến nước mả, thức ăn thừa, cơm cặn… về cho lợn, cá ăn, chị Chi thường để dành vào thùng riêng. Nếu tính trước khi chưa phân loại, bình quân mỗi ngày gia đình chị thải ra khoảng 4kg, nhưng giờ chỉ còn khoảng một nửa.

Tận dụng được rác hữu cơ nhà bếp này không chỉ giảm khối lượng rác mang đi chôn lấp, mà còn giảm được mùi hôi do nhanh phát tán khi lưu cữu chỉ 1- 2 ngày và giảm được chi phí xử lý nước rỉ rác. Phế liệu từ các vỏ lon, nhựa cũng được nhiều hộ dân phân loại đem bán ve chai. Loại rác này không chỉ giảm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý mà còn giúp nhiều người có thêm thu nhập.

Khó nhất hiện nay của Phú Vang là chưa tìm được vị trí quy hoạch điểm xử lý rác thải xây dựng. Vì thế, để giảm tải loại rác này, Phòng Tài nguyên&Môi trường (TN&MT) huyện Phú Vang phổ biến, vận động người dân tận dụng để san lấp mặt bằng. Khu vực Phú Thượng, Phú Mỹ, Vinh Thanh… là những nơi có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều công trình, nhà cửa được xây mới. Thay vì người bỏ phải chở rác xây dựng đi đổ, vừa tốn phí vận chuyển, vừa dễ bị xử phạt và người cần mua vật liệu để san nền, nâng “cốt” xây dựng phải tốn kém nhiều hơn, nên một số chủ thầu xây dựng trên địa bàn đã liên lạc thu mua loại rác này để phục vụ san lấp mặt bằng công trình mới.

Lợi về kinh tế và môi trường

Ông Lại Phước Khương, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Vang cho rằng, nếu chỉ cần giảm 10% trong tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn mỗi năm (dự báo năm 2018 phát sinh 28.000 tấn rác) từ việc phân loại rác, địa phương tiết kiệm được hơn 1,3 tỷ đồng phí vận chuyển và xử lý rác tại bãi xử lý tập trung, chưa kể công thu gom, mua sắm trang thiết bị.

Ngoài lợi ích kinh tế có thể tính toán được, việc phân loại rác tại nguồn còn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường. Khi giảm được khối lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp, diện tích đất phục vụ cho việc chôn lấp sẽ giảm đáng kể, khối lượng nước rỉ rác giảm theo và các tác động tiêu cực đến môi trường cũng giảm đáng kể. Gánh nặng của địa phương về chi phí cho công tác bảo vệ môi trường cũng giảm rất nhiều.

Theo ông Lại Phước Khương, mô hình phân loại rác tại nguồn đã được khởi động cách đây hơn 4 năm tại thôn Thạch Căn, xã Phú Dương. Lúc đó, mô hình này kết hợp với việc chế tạo phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy rất hiệu quả, đem lại lợi ích lớn cho địa phương, song sau một thời gian, hoạt động này “tạm lắng”. Bây giờ, lãnh đạo huyện, chính quyền địa phương tiếp tục “hâm nóng” trở lại và kế hoạch mở rộng ra nhiều địa phương khác. Đáng mừng là hiện nay, nhiều địa phương như Phú Dương, Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân… đã triển khai những mô hình phân loại rác tại nhà dân.

Để việc phân loại rác tại nguồn được cộng đồng tích cực tham gia sâu rộng, sắp tới, huyện sẽ huy động toàn hệ thống chính trị cùng vào cuộc, nhất là vai trò của các tổ chức hội đoàn thể vừa tuyên truyền, vận động kết hợp xây dựng quy chế, có cơ chế thưởng phạt, tránh tình trạng chỗ làm chỗ không và “đánh trống bỏ dùi”. Bên cạnh đó, tận dụng tối đa rác hữu cơ được phân loại, chính quyền địa phương tiếp tục huy động nguồn lực hình thành các cơ sở đứng ra thu mua loại rác này để làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh hay các sản phẩm hữu ích khác.

Bài, ảnh: Hoài Thương