Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Nguyễn Chí Tài phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn Quốc hội, theo ông đâu là căn cơ của sự việc?

Những diễn biến phức tạp, căng thẳng này xảy ra sau khi xuất hiện những lời kích động, kêu gọi biểu tình phản đối dự án Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu); một số người dân do bị kích động hoặc thiếu hiểu biết đã tham gia tuần hành, tụ tập trái phép ở một số địa phương, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước khi xây dựng các dự án luật, Quốc hội, Chính phủ và ban soạn thảo đã có sự chuẩn bị như thế nào thưa ông?

Dự án Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt đã được trình ra để Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến theo đúng quy trình làm luật. Để có được dự án này, cơ quan soạn thảo đã tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các ngành, các cấp, các chuyên gia đầu ngành và cả người dân. Dự luật cũng đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và một số cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2018.

Những cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến này đã được chuyển tải đầy đủ tới cử tri và Nhân dân cả nước thông qua các cơ quan thông tấn báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Nhân dân đều được tiếp thu, hoàn thiện dự án luật theo đúng quy trình làm luật.

Cử tri phường An Tây, TP. Huế kiến nghị tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Ảnh: Thanh Hương

Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng cố ý tạo ra luồng dư luận lệch lạc dẫn đến người dân không hiểu đúng bản chất sự việc, gây ngộ nhận, hiểu lầm các điều khoản trong dự án Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt; từ đó lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người trái phép với cái cớ để “phản đối Luật Đặc khu”, để “thể hiện tinh thần yêu nước” nhằm gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tình hình căng thẳng, mất an ninh trật tự đã xảy ra ở một số địa phương trên cả nước, nhất là tại tỉnh Bình Thuận đã nói lên tất cả điều đó.

Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến cử tri, Nhân dân như thế nào?  

Tôi cho rằng, Chính phủ, Quốc hội không phải bây giờ mà trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước luôn lắng nghe mọi ý kiến, đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Việc Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về việc hoãn xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính- Kinh tế đặc biệt với tỉ lệ phiếu thuận rất cao là minh chứng rõ ràng nhất cho việc lắng nghe, ghi nhận tâm tư và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước. Quyết định này cho thấy, mọi ý kiến của cử tri, người dân đều đã được các cơ quan Nhà nước lắng nghe và hiện thực hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể, phù hợp với ý chí và nguyện vọng Nhân dân.

Ông suy nghĩ như thế nào về những hành vi gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật xảy ra tại một số địa phương thời gian vừa qua?

Những vụ việc xảy ra trong thời gian vừa qua rất đáng tiếc, song cũng đã tự phơi bày ý đồ thâm sâu với các thủ đoạn thâm độc của những kẻ đã lợi dụng dân chủ, lòng yêu nước của Nhân dân để nhắm tới những ý đồ và mục đích khác chứ hoàn toàn không phải xuất phát từ lòng yêu nước chân chính. Những hành vi kích động, hô hào người dân, nhất là giới trẻ xuống đường gây ách tắc giao thông; ném bom xăng, đốt phá cơ quan Nhà nước, phương tiện của lực lượng thi hành công vụ chắc chắn không phải là sự thể hiện của lòng yêu nước mà là vi vi phạm pháp luật; gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Những hành vi trên đáng phải lên án. Trong một Nhà nước pháp quyền, mọi hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ ai đều phải được điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Bởi thế, những kẻ chống phá, kích động người dân, cần phải đưa ra ánh sáng pháp luật để trừng phạt nghiêm minh.

Ông có lời khuyên gì đối với người dân trong lúc này?

Trong lúc này, mỗi người dân hãy hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, tìm hiểu kỹ lưỡng, hiểu đúng bản chất sự việc, tránh ngộ nhận, hiểu lầm để rồi bị kích động, lôi kéo vào những việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, cuộc sống bình yên của đất nước và của chính bản thân mình.

Lòng yêu nước chân chính không song hành với hành động quá khích, vi phạm pháp luật. Lòng yêu nước được thể hiện một cách đúng đắn, tỉnh táo và sáng suốt, đúng nơi, đúng chỗ sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho dân tộc, cho quốc gia. Nếu thiếu tỉnh táo, chúng ta sẽ bị kẻ xấu lợi dụng gây hại cho lợi ích đất nước, trong đó có lợi ích của mỗi người chúng ta.

Đối với những kẻ quá khích, vi phạm pháp luật cần xử lý ra sao?

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, tôi đánh giá cao tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của Nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Tôi đề nghị cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành nắm chắc tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật; xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cử tri, Nhân dân trong tỉnh cần đoàn kết, thống nhất, hăng hái thi đua lao động sản xuất, sống và làm việc theo pháp luật, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, Nhân dân được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc.

Xin cảm ơn ông!

Thái Bình (thực hiện)