Bùng phát đại dịch MERS ở Saudi Arabia. Ảnh: Jakarta Post

Cũng theo thông kê của WHO, các trường hợp tử vong đều nằm trong số 75 trường hợp đã được chẩn đoán nhiễm bệnh trước đó. Với 23 người thiệt mạng do đại dịch về hô hấp, ước tính đã có tổng cộng khoảng 2.200 người nhiễm bệnh MERS, trong đó có đến hơn 1.844 trường hợp là người dân Saudi Arabia.

Được biết, dịch bệnh đã tiếp tục tái phát ở quốc gia này vào tháng 2/2018 tại một bệnh viện tư ở thành phố Hafer Albatin – nơi bệnh nhân đã lây nhiễm virus cho 3 y, bác sĩ. Không lâu sau đó, căn bệnh cũng được ghi nhận đã xuất hiện và lây lan tại một cơ sở khám chữa bệnh khác ở Riyadh.

MERS-CoV là một loại virut lần đầu tiên được nhận dạng vào năm 2012, thuộc họ Coronaviridae. Bệnh MERS phát triển nhanh từ giai đoạn cảm lạnh thông thường và trở thành hội chứng suy hô hấp nặng. Theo nhận định của các chuyên gia, rất khó để phân biệt chủng bệnh này với các loại bệnh khác, một phần vì biến chứng của nó thường bị nhầm lẫn với tiểu đường, suy thận hoặc bệnh phổi mãn tính.

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch và khả năng lây lan cao, tổ chức WHO khuyến cáo người dân, nhất là những người có sức đề kháng kém nên tránh tiếp xúc với những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, cùng lúc tránh xa lạc đà – tác nhân truyền bệnh MERS. Ngoài ra, bất cứ ai tiếp xúc với động vật đều phải rửa tay kỹ với xà phòng trước khi thực hiện các hoạt động khác, đồng thời hạn chế uống sữa động vật, ăn thịt sống và đến ngay cơ sở khám bệnh gần nhất nếu xuất hiện triệu chứng mắc bệnh.

Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Post)