Nhật Bản vừa tạo ra bất ngờ với chiến thắng trước Colombia (Ảnh: Internet)

Nối tiếp những bất ngờ khi đương kim vô địch Đức bại trận trước Mexico, Brasil bị chia điểm với Thụy Sĩ, trận thua đau 1 – 2 của Ba Lan trước Senegal và đặc biệt là chiến thắng 2 – 1 của Nhật Bản trước Colombia ngày 19/6 đã cho thấy trong bóng đá khó nói trước điều gì. Trong quá khứ, Nhật Bản luôn lép vế khi gặp Colombia và chiến thắng 4 – 1 mà đại diện Nam Mỹ giành được ở World Cup 2014 là một ví dụ. Điều đáng nói Nhật Bản phải sa thải HLV Vahid Halihodzic 2 tháng trước thềm World Cup và người kế nhiệm có thời gian không dài cho sự chuẩn bị trên cương vị mới, thế nhưng người Nhật vẫn làm đảo lộn mọi dự đoán trong trận đấu trước Colombia.

Nói những điều trên để thấy, ngày 21/6, trận đấu sớm ở bảng B giữa Iran và Tây Ban Nha (lúc 1 giờ) sẽ rất đáng chờ đợi. Tây Ban Nha vốn là “ông lớn” của bảng B, trong khi Iran là đội bóng bị đánh giá yếu nhất bảng. Thế nhưng, trận hòa 3 – 3 của Tây Ban Nha trước Bồ Đào Nha và 3 điểm mà Iran lấy được trước Maroc đã giúp đội bóng châu Á vươn lên ngôi đầu bảng. Xét về mọi mặt, Iran đều thua kém Tây Ban Nha. Song, lợi thế tâm lý sẽ khiến đội bóng châu Á dễ chơi trong trận đấu này.

Về phần Tây Ban Nha, khởi đầu với trận hòa 3 – 3 trước Bồ Đào Nha không phải là một thảm họa, nhưng đang bộc lộ một số vấn đề. Trong đó, nguyên nhân một phần từ phong độ khó hiểu của thủ thành David de Gea. Tất nhiên, một trận đấu chưa thể nói lên điều gì và Tây Ban Nha vẫn tràn trề cơ hội trước đội bóng Iran. Ở trận đấu này, “Đội quân đỏ” sẽ chọn giải pháp tấn công, tạo ra một chiến thắng cách biệt trước Iran để khẳng định lại chính mình.

Ở bảng C, hai cặp đấu Đan Mạch - Úc, Pháp - Peru sẽ dắt nhau bước vào lượt đấu thứ hai với mong muốn phân chia lại thứ hạng trên bảng xếp hạng. Ở cả hai cặp đấu, lượt đấu này có thể mang tính quyết định đến chiếc vé đi tiếp, bởi vì nếu thắng Úc, Đan Mạch ở thể sớm hoàn thành nhiệm vụ vòng bảng. Tương tự, Pháp cũng cần vượt qua Peru để yên tâm hơn khi đấu với Đan Mạch tại loạt trận cuối.

Trước khi các trận đấu tại bảng C khởi tranh, giới chuyên môn đều “bỏ phiếu” cho những chú “gà trống Gaulois” sẽ là đội bóng dễ dàng giành ngôi đầu bảng vì các đối thủ còn lại không đủ sức để gây khó cho Pháp. Song, điều đó chưa hẳn đúng khi các học trò HLV Deschamps có một trận đấu mờ nhạt trước đội bóng xứ Chuột túi (ngày 16/6), thậm chí nhiều người còn cho rằng chiến thắng của Pháp trước Úc là nhờ “thần” công nghệ phù hộ.

Đan Mạch cũng không phải là đội bóng tồi và từng được đánh giá có trình độ xếp thứ hai 2 tại bảng C, sau Pháp. Song, trong trận đấu với Peru tối 16/6, Đan Mạch chỉ ghi được một bàn thắng do công của tiền đạo cánh Yussuf Poulsen. Nhìn vào cục diện trận đấu đó, rõ ràng Peru đã có một khởi đầu tốt hơn và biết cách vận dụng lối đá kỹ thuật, tốc độ và sự máu lửa đậm chất Nam Mỹ để liên tục uy hiếp khung thành thủ môn Kasper Schmeichel. Đáng tiếc là họ không có sự giúp đỡ của thần may mắn.

Lượt đấu thứ hai sẽ không còn cơ hội để các đội bóng dành thời gian cho mục đích thăm dò đối thủ. Pháp và cả Đan Mạch đều muốn cầm chắc 3 điểm để tạo ra một kết quả có lợi, trong khi đó Peru và Úc đều không muốn trận đấu cuối cùng sẽ ra sân như một “thủ tục” trước khi về nước. Chắn chắn, sau những thất bại đầu tiên, ban huấn luyện đội tuyển Úc và cả Peru đã có những tính toán, thay đổi chiến thuật và sẽ ra sân với quyết tâm tái lập những kịch bản mà các đội bóng bị đánh giá thấp hơn đã làm được tại World Cup 2018. Điều đó sẽ làm cho trận đấu giữa Đan Mạch – Úc (19 giờ, ngày 21/6) và Pháp – Peru (22 giờ) trở nên hấp dẫn.

Hữu Phúc