Vậy nên, ai mà chẳng lo, chỉ khác nhau ở chỗ người nhiều, kẻ ít. Mỗi người một kiểu lo, có kẻ ráng học thêm để có thêm ít chữ, có người chủ yếu lo nghỉ ngơi để chuẩn bị thể trạng tốt nhất cho những ngày thi căng thẳng. Mình lại nghĩ, vấn đề nằm ở chỗ cần có sự kết hợp tốt giữa học tập và nghỉ ngơi.

Đầu tiên là chuyện học. Sau bao ngày vất vả ôn thi, các sĩ tử đã chuẩn bị bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và đây sẽ là dịp để các em tiến dần về con đường thành công của bản thân, tiến dần tới ước mơ của bản thân. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì các em đừng quên sẽ phải “chiến đấu” cho trận chiến cuối cùng của đời học sinh, phải đạt được kết quả thật cao nếu muốn được xét tuyển vào các trường đại học đang kỳ vọng.

Do thời gian còn lại quá ít ỏi, học sinh không cần phải miệt mài làm bài thi nữa vì chúng không còn nhiều hiệu quả. Thay vào đó, hãy tổng hợp các kiến thức đã có, ghi chép cẩn thận ra giấy từng môn, từng môn một và nên chú trọng vào những môn học thuộc khối, ngành mà mình sẽ theo. Điều đó sẽ giúp mỗi học sinh thống kê được kiến thức, biết trong những ngày tháng qua đã ôn thivới kết quả như thế nào. Hãy coi kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia là một mùa thu hoạch những kiến thức mà mình đã cất công “gieo trồng” lâu nay.

Học là cần thiết nhưng vào thời điểm này, thay vì hồi hộp, lo lắng và muốn học cố để nhồi nhét kiến thức thì một chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi hợp lý là rất quan trọng để giúp cho thí sinh có được phong độ tốt nhất trong kỳ thi. Và đây là lúc mà các bậc phụ huynh, đặc biệt là người mẹ thể hiện vai trò của mình. Sự quan tâm của gia đình dành cho con em thời gian này là đặc biệt cần thiết. Những bữa ăn ngon, hợp khẩu vị, có đầy đủ chất trong một khung cảnh gia đình đầm ấm và hạnh phúc là cách thư giãn tốt nhất cho thí sinh.

Việc chăm sóc một cách quá mức có thể tạo thêm những áp lực không đáng có. Những ngày bình thường, có thể bố mẹ vì bận rộn nên chưa thực sự chú ý đến, càng gần ngày thi mới cố gắng “tẩm bổ” thêm quá nhiều thức ăn bổ dưỡng cho con theo kiểu “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Thế nhưng, bổ đâu chưa thấy, chỉ thấy thực tế là đã khiến không ít em bị thay đổi chế độ dinh dưỡng đột ngột dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, thậm chí rối loạn tiêu hóa hay đầy bụng, khó tiêu vì ăn quá nhiều đạm.

Thành ngữ ta có câu “Căng cơ bụng trùng cơ mắt”, nói đến việc người ta thường cảm thấy buồn ngủ sau khi vừa ăn no. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, chỉ nên ăn no khoảng 80%. Với các sĩ tử đang ôn thi, nếu bữa nào cũng ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa nên sẽ giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ, do đó khả năng tiếp thu bài vở sẽ giảm. Còn thay vì quá tập trung vào chuyện ăn uống, các bậc cha mẹ nên quan tâm con cái bằng những cử chỉ yêu thương, lời động viên, hỏi han tâm sự… giúp các em bớt lo âu, căng thẳng.

Cuối cùng căng thẳng là điều tuyệt đối nên tránh. Căng thẳng quá mức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả ôn thi, khiến học sinh bị phân tâm và đặc biệt, chúng sẽ “giết chết” những kiến thức mà em đã mất công ôn tập bấy lâu nay.  Căng thẳng khiến các thí sinh “thua” ngay từ đầu vì không thể kiên định ý chí bằng những người có tâm thế sẵn sàng và thoải mái tiếp nhận thử thách.

Đan Duy