Dĩ nhiên, cuộc vui không thể thiếu khoản hát hò. Ngỡ món karaoke chỉ có người lớn hào hứng. Không ngờ bọn trẻ cũng sôi nổi nhập cuộc.
- Cháu hát bài gì để cô chọn nào?-Một phụ huynh nhẹ nhàng đề nghị một cậu nhóc đang độ tuổi tiểu học.
- Dạ, "Em là vợ người ta" ạ- Cậu bé hồn nhiên.
- Sao cơ? Đó là bài hát của người lớn mà- Vị phụ huynh tròn mắt.
- Không sao đâu, bài “tủ” của cháu đấy- Mẹ cậu bé giải thích.
Nhạc nổi lên. Cậu bé nhún nhảy, hát say sưa: “Giờ em đã là vợ người ta. Anh biết do anh mà ra. Tình yêu ấy nay xa càng xa...”. Thấy cậu bé “máu lửa” theo bài hát, người lớn cũng nhiệt tình vỗ tay, cổ vũ.
Chẳng mấy chốc, bọn trẻ “chiếm” sân khấu, với những bài hát đang thịnh hành của giới trẻ: “Đừng như thói quen”, “Chạy ngay đi”, “Ngắm hoa lệ rơi”...của những tác giả đình đám Sơn Tùng, Hoa Vinh, Soobin Hoàng Sơn...Những ca từ yêu đương sướt mướt, mùi mẫn cứ thế thốt lên từ miệng những đứa trẻ... “lau chưa sạch mũi”.
“Con thuộc những bài hát này lúc nào vậy ta? Bài hát gì mà hạ hoắc vậy?”. Đến lúc này, các ông bố, bà mẹ mới ngã ngửa, tròn mắt nhận ra, bọn trẻ bây giờ không hát nhạc thiếu nhi như họ ngày xưa...dù các con được học môn âm nhạc ngay từ lớp 1. Giáo án cũng có đầy đủ những bài hát ngộ nghĩnh, đáng yêu dành cho trẻ con.
Thế nhưng, những bài hát ‘‘chính thống” trong bộ môn âm nhạc ở trường hình như đã bị các con “đánh rơi”. Thay vào đó là thứ âm nhạc thị trường, không biết từ khi nào, ở đâu đã tràn vào tâm hồn bọn nhỏ.
Có người bảo, có lẽ chúng nghe trên mạng, qua những chiếc điện thoại thông minh được người lớn cho kè kè bên người. Cũng có thể chúng nghe người lớn hát rồi hát theo...
Và dù bằng kênh nào đi nữa nhưng có đáng lo hay không khi trẻ con không hát nhạc của trẻ con nữa? Và liệu những bài hát của người lớn ấy có làm cho bọn trẻ già trước tuổi?
Minh Quân