Thời gian qua, xuất khẩu rau quả của Việt Nam nói chung, mặt hàng quả và quả hạch nói riêng sang thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng mạnh mẽ, khả quan. Tuy vậy, thị phần hàng rau quả Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản vẫn còn khá thấp khi dự báo cho thấy cơ hội xuất khẩu vào thị trường này là rất lớn.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến nay, xét về giá trị xuất khẩu, Nhật Bản vẫn là một trong 3 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ. Lũy kế đến hết tháng 5, kim ngạch XK hàng rau quả ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Cơ quan Hải quan Nhật Bản cũng cho biết, trong quý đầu năm, Nhật Bản nhập khẩu quả và quả hạch từ thị trường Việt Nam tăng mạnh cả về lượng lẫn trị giá. Trong 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu quả và quả hạch của Nhật Bản đạt 718,2 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thanh long ruột đỏ của Việt Nam được thị trường Nhật Bản ưa chuộng.

Là doanh nghiệp có kinh nghiệm và đã thành công khi xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản, ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Gap chia sẻ, điểm khó nhất ở thị trường Nhật Bản là chất lượng hàng hóa. Rau quả xuất khẩu sang Nhật có giá cả cao, nhưng cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn khá khắt khe.

“Rau xuất khẩu sang Nhật Bản phải có chứng nhận Global GAP. Muốn sản phẩm chất lượng tốt, doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng công nghệ cao với chi phí đắt đỏ. Nếu không tuân thủ được, rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn. Ngược lại, nếu làm tốt, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường”, ông Cường nói.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, Việt Nam đã xuất khẩu được thanh long ruột đỏ, xoài, vải thiều, lá tía tô, mùi tây... sang thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn như dân số già hóa, tầng lớp thanh niên không muốn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vì vậy, trong thời gian tới, dự báo nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ rau quả tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa với cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Nhật Bản là rất lớn. Các doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, Nhật Bản là một trong những quốc gia đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu cao. Hầu hết các tiêu chuẩn này đều tương đương, thậm chí cao hơn những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.

Đáng chú ý, các tiêu chuẩn chất lượng được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này có nghĩa là, các tiêu chuẩn đó không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu. Vì thế, DN Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đặt ra.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản như quả và quả hạch, việc giá cước vận chuyển ở mức cao đang là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến xuất lợi thế xuất khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt về giá so với các thị trường cung cấp khác.

Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật bản, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực phẩm và an toàn thực phẩm, rau quả Việt còn phải giảm giá cước vận chuyển để tăng sức cạnh tranh.

Để việc xuất khẩu rau quả bền vững vào thị trường Nhật Bản, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, thời gian tới cần tăng cường chính sách đất đai, hình thành các cánh đồng mẫu lớn.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập vùng sản xuất rau quả tập trung, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến rau quả cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm, hạn chế việc lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học… để các sản phẩm rau quả Việt Nam giữ được thương hiệu, xuất khẩu bền vững vào thị trường Nhật Bản.

Theo VOV