Trung tá Trần Công Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân vào đề: “Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chung tay xây dựng nông thôn mới, tập trung vào phát triển các mô hình kinh tế. Quá trình thực hiện các mô hình, cán bộ, chiến sĩ thực sự sâu sát cơ sở, nắm bắt khả năng lao động sản xuất của bà con, nhất là kỹ thuật và vốn sản xuất để có sự đầu tư thích hợp. Cán bộ vận động quần chúng kiên trì, bền bỉ, miệng nói tay làm, cầm tay chỉ việc, trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Nhờ đó, bà con dễ hiểu, dễ làm theo nên các mô hình phát huy hiệu quả cao. Đa phần các mô hình kinh tế điểm được thực hiện theo phương thức VACR. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị trực tiếp cùng người dân khảo sát, đầu tư các loại con giống như dê, bò, các loại cá nước ngọt; tập trung vào các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao...”
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân là đơn vị quản lý địa bàn các xã Hồng Trung, Hồng Thủy và Hồng Vân của huyện miền núi A Lưới giáp với nước bạn Lào. Thời gian qua, 3 cán bộ của Đồn đã được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy ở ba xã để giúp các địa phương phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh tuyến biên giới. Xã Hồng Thủy là địa bàn còn nhiều khó khăn. Đồn đã cử hẳn một tổ công tác cắm ở địa bàn gồm 4 người, có cả quân y sĩ để giúp khám chữa bệnh cho bà con. Các cán bộ đảng viên đã xuống từng thôn, bản giáp biên để cùng sinh hoạt, giúp đỡ lãnh đạo thôn và người dân phát triển các mô hình kinh tế. Tổ công tác biên phòng lập trụ sở ngay tại bản để tiện bề tiếp xúc với bà con, quan tâm vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trung úy Đào Đức Dũng, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hồng Vân tâm sự: “Hàng ngày anh em phải nghiên cứu kỹ thuật, học làm cán bộ khuyến nông, rồi cầm tay chỉ từng việc một cho bà con, bày cho bà con cấy lúa nước, nuôi lợn, chăn bò, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển rừng kinh tế...”.
Có đến những vùng biên cương này mới cảm nhận hết nỗ lực của người lính “quân hàm xanh” giúp đồng bào ở đây phát triển kinh tế. Câu chuyện về mô hình nuôi dê, nuôi bò, trồng cao su, hay ngô lai, cây chuối... để nâng cao đời sống cho nhân dân ở nơi khác nghe bình thường, nhưng ở miền biên ải này thì dù một đổi thay rất nhỏ cũng khiến ta cảm thấy ấm lòng. Ông Quỳnh Thùng, ở thôn 2, xã Hồng Thủy xúc động: “Nhờ BĐBP giúp đỡ cho gia đình mình mô hình kinh tế, đặc biệt là cây chuối hàng hóa, nên đến nay mình đã có nguồn thu mỗi năm gần 30 triệu đồng. Từ đó, kinh tế gia đình khấm khá hơn. Nếu không có BĐBP giúp đỡ thì dân bản không biết làm sao mới khá lên được...”.
Từ một xã cách đây mấy năm còn nghèo nàn lạc hậu, nay Hồng Thủy đang thay đổi từng ngày.
Quốc Tuấn