Một góc chợ phiên Hồng Hạ

Đặc sản núi rừng

Đặt lịch làm việc với UBND xã Hồng Hạ về phát triển du lịch tại suối Parle nhưng dự định ban đầu đó của tôi như bị “chững” lại bởi một phiên chợ đặc biệt nằm ngay cạnh trụ sở ủy ban xã này. Khu họp chợ rộng chừng 100m2, chỉ có sản vật của núi rừng và trang phục xúng xính của đồng bào Cơ Tu, Pa Cô.

Anh A Moong Tỵ, cán bộ văn phòng UBND xã Hồng Hạ vỗ vai tôi: “May cho chú đó, hôm nay chợ họp!”. Tôi hỏi sao lại chọn ngày 25 hàng tháng để họp chợ phiên? A Moong Tỵ bảo: “Không phải ngẫu nhiên đâu. Ngày 25 cuối tháng thường kết thúc chuyến đi rừng, sản vật rừng sẽ hội tụ đông đủ mới nên chợ được. Còn thường nhật nếu ai có đặc sản gì tươi vẫn mang ra chợ bán như thường. Mà đồng bào ở đây không biết “chợ phiên” là cái chi. Chỉ biết có một điểm bán bên trụ sở ủy ban xã, được cán bộ xã quan tâm quản lý “lô quầy”. Mỗi tháng nhìn lên tờ lịch đúng ngày 25, có sản vật gì từ rau ráng, củ quả, cá, ốc suối, ếch đồi, thịt heo bản đều mang ra chợ bán”.

Chợ phiên Hồng Hạ gồm 5 gian hàng đại diện cho 5 thôn do UBND xã Hồng Hạ bỏ kinh phí xây dựng và quản lý với sự góp sức của người dân trên địa bàn xã. Chợ hoạt động từ tháng 4/2018 đến nay. Riêng ngày xây chợ với đồng bào nơi đây cũng “vui như hội”. Đó là sự chung tay đóng góp từ cây tre, thanh gỗ quanh vườn nhà của người dân. Thanh niên trai tráng thì chặt tre, cói từ rừng, già làng lớn tuổi ngồi đan sạp, đan cói lợp mái nhà.

“Mỗi người một ít, tích tiểu thành đại mới có được khu chợ sầm uất như chừ”, A Moong Tỵ vui ra mặt khi nhắc đến chuyện dựng chợ. A Moong Tỵ như chợt nhớ ra điều gì rồi bảo tôi: “Muốn biết đặc sản của chợ có chi ngon nhứt thì qua gặp cán bộ hội nông dân xã. Có những món không chỉ người dân bản địa mà du khách ngang qua Quốc lộ 49 cũng phanh xe rẽ vô tìm mua cho được đó”.

Đặc sản đầu tiên mà anh Lê Thác, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Hồng Hạ giới thiệu với chúng tôi là cá xanh (loại cá suối riêng có của miền thượng du). Cá suối được những hộ dân chuyên làm “nghề chài lưới” trên địa bàn đánh bắt ở những khe suối trên vùng rừng núi xã. Cá đánh xong được mang ra chợ “bán tươi” cho người mua nên chỉ thoáng cái đã hết.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (thôn A Rong), một hộ dân chuyên đánh bắt cá suối cho biết, mỗi ngày anh bỏ chừng 3 giờ đồng hồ thả lưới trên các khe suối vùng núi cũng kiếm được 2-3kg cá, bán mỗi kg từ 120-150 nghìn đồng (tùy loại). Cá đánh lưới ngày nào là bán hết ngày đó vì đồng bào ở đây không… dùng tủ lạnh bao giờ. Cá xanh được bán ở chợ hoặc mang bán cho những quầy quán ở khu du lịch suối Parle trên địa bàn để chế biến món cá hấp hành, nướng hoặc kà lèng cá xanh.

Thịt heo bản phơi khô tại chợ phiên Hồng Hạ

Ngoài rau ráng đủ loại trồng quanh khe suối thì ở chợ phiên Hồng Hạ còn có đặc sản bắp chuối rừng, ếch núi được thực khách rất ưa chuộng. Mỗi bắp chuối rừng chỉ 15-20 nghìn đồng, du khách mang về nấu một bữa canh ở miền xuôi, ăn rồi sẽ nhớ cái dư vị núi rừng của đồng bào.

Không sạch không lấy tiền

Khảo sát một vòng quanh chợ phiên Hồng Hạ, thấy những gian hàng tinh tươm, ngăn nắp, đồng bào nói tiếng Cơ Tu xen tiếng Kinh khi “giao dịch” mua bán. Mỗi gian hàng đều có niêm yết giá cả từng loại nông sản đầy đủ. Đồng bào nơi đây vốn bản tính thật thà nên không nói thách.

Chị Hồ Thị Nang (thôn A Rong), chủ gian hàng ở đây mời chào chúng tôi lít mật ong rừng bằng lơ lớ tiếng Kinh. Khi biết “khách quý” từ dưới xuôi lên, chị lấy bát mời khách nếm thử rồi bảo: “Mật thiệt nghe chú. Bỏ cả sáng chừ mà vẫn không có kiến hay ruồi bâu. Bán mật thiệt thì người miền xuôi lần sau nhớ mới trở lại mua”.

Mỗi ngày, UBND xã Hồng Hạ tiến hành thu mỗi hộ dân mua bán ở đây 10 nghìn đồng để dùng vào kinh phí sửa chữa bảo trì chợ và dọn dẹp vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự. Anh Lê Thác bảo, thành lập chợ phiên có “vô vàn cái lợi”, tạo công ăn việc làm cho đồng bào, giảm tình trạng bán hàng rong mất vệ sinh, quảng bá sản vật của núi rừng, giúp bà con tiêu thụ nông sản.

Cầm bó rau trên tay, anh Thác quả quyết: “Rau ở đây trừ rau rừng, du khách thường thấy không mấy bắt mắt, thậm chí “rất xấu” vì bà con không bơm thuốc bảo vệ thực vật bao giờ, thậm chí nhiều hộ trồng còn không bón phân, rau chỉ sinh trưởng nhờ đất, hơi sông suối mà xanh tươi ”.

Cá xanh - đặc sản núi rừng

Chị Hồ Như Bàn (thôn Pa Hy), chủ một gian quầy ở chợ phiên Hồng Hạ tâm sự: “Nông sản ở đây không chỉ bán cho du khách mà bà con hàng xóm còn mua làm thực phẩm dùng trong bữa ăn hàng ngày. Không sạch thì du khách cũng chỉ ghé chân một lần, làm sao quay lại bữa sau được. Rau củ quả, thịt heo bản, cá ốc suối cũng chỉ bán hết trong ngày. Riêng mật ong rừng cũng của bà con khai thác từ rừng mang về”.

Để có được các nông sản “siêu” sạch cung cấp cho các gian hàng ở chợ, cán bộ xã Hồng Hạ thường xuyên quán triệt đến các hộ dân trồng trọt, khai thác theo phương thức nông sản sạch và thân thiện môi trường. “Không sạch không… lấy tiền” là tiêu chí mà các gian hàng ở đây luôn theo đuổi. Theo anh Lê Thác, sản vật rừng là các lâm sản phụ cũng khai thác thủ công, vừa khai thác vừa chăm sóc bảo tồn để được lâu dài. Như cá suối, địa phương quán triệt chỉ được đánh lưới, không được dùng rà điện hoặc các hóa chất để đánh bắt; mật ong rừng làm theo mùa và không trộn lẫn mật mía để bán cho khách.

Sau mỗi buổi chợ phiên vào ngày 25 hàng tháng, đến tối, bà con các thôn bản thường tổ chức ca hát, giao lưu sau một ngày ngược xuôi buôn bán. Và, chợ phiên Hồng Hạ không chỉ là nơi hội tụ nông sản mà còn là địa điểm để giao lưu, kết nối cộng đồng.

Quy hoạch vùng rau sạch phục vụ chợ phiên

“Thông qua mô hình của Trường đại học Nông lâm Huế, UBND xã Hồng Hạ đang xúc tiến thành lập khu trồng rau sạch tập trung trên diện tích khoảng 600m2 cho các hộ dân tham gia sản xuất. Rau sạch các loại được các hộ dân trồng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ cung ứng cho chợ phiên Hồng Hạ. Hình thành vùng sản xuất tập trung với giá cả nông sản, đầu ra ổn định sẽ hướng đến sản xuất lâu dài, bền vững cho người dân”, anh Lê Thác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Hạ thông tin.

Hà Nguyên