Đói, có bệnh trong người, sợ hạ đường huyết thì không trở tay kịp, anh bảo bác tài đánh xe vào một quán ăn bên đường, kêu đĩa cơm vừa ăn, vừa chờ. Bất ngờ, một nhóm 2-3 ông làm báo đi qua, thấy xe “biển số xanh”, sướng quá, dừng lại rút máy chụp. Chuyện xảy ra bên ngoài, anh không hề hay biết.

Có được mấy tấm ảnh trong tay, nhóm mấy ông làm báo kia rà số, phát hiện đó là xe của đơn vị N., liền nối máy “nói chuyện” với thủ trưởng của anh. Hơn ai hết, thủ trưởng biết anh là người hiền lành, hiếm khi ăn nhậu, bia bọt thì cùng lắm chỉ 1 lon, không qua lon thứ 2. Chuyến công tác hôm ấy cũng đích thân ông phân công. Điều chuyến xe phục vụ cho công tác tập thể. Anh cũng là Phó bí thư Đảng ủy, là lãnh đạo cơ quan, đi xe không có gì sai cả. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, thôi... dây dưa với báo chí phiền. Thủ trưởng xuề xòa hỏi nhà báo có nhu cầu gì? Cần gặp mặt hả? Ừ, thì gặp? Và rồi tất nhiên là không bao giờ gặp không cả. Cuối cùng vui vẻ cả làng(!)

Biết chuyện, anh tức không chịu được. Trách thủ trưởng sao không hỏi để anh giải trình. Đơn vị có gì sai mà phải sợ. Họ muốn đăng thì cứ đăng, đăng sai, phản ánh không đúng bản chất vấn đề thì phải xin lỗi, phải đính chính. Sao cứ phải sợ báo chí nhỉ?!! Lạm dụng xe công là hành vi cần phê phán, nhưng đâu cứ phải hễ xe công đậu trước nhà hàng, quán ăn là có thể khẳng định lạm dụng? Báo chí phát hiện, phản ánh tiêu cực là cần thiết và đáng hoan nghênh. Nhưng điều quan trọng là phải phản ánh, phải phê phán đúng bản chất sự việc chứ không phải cứ nhìn hiện tượng là quy bản chất. Bởi như thế, không khéo báo chí lại khiến cho xã hội nhìn cán bộ, nhìn chế độ một cách méo mó, lệch lạc.

“Này, mà ông cũng là nhà báo, tôi hỏi ông, tại sao nhà báo chụp không đăng mà lại gọi điện? Đó là kiểu báo gì?”- Anh chốt hạ câu chuyện với tôi bằng câu hỏi cắc cớ như vậy. Và ngay miệng, tôi nói thẳng thớm: “Thì đó là kiểu báo... đời, báo hại chứ còn báo gì nữa!”.

Huy Khánh